Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách và hàng hóa; các đơn vị kinh doanh (KD) bến xe trong TP Cần Thơ.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách và hàng hóa; các đơn vị kinh doanh (KD) bến xe trong TP Cần Thơ.
Nghị định gồm 6 chương, 36 điều quy định về KD và điều kiện KDVT bằng ô tô, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân KD hoặc liên quan KDVT bằng ô tô. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2014, thay thế Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về KD và điều kiện KDVT bằng ô tô. Nghị định quy định rõ hơn các điều kiện KDVT theo hướng tăng cường quản lý điều kiện an toàn giao thông (ATGT), nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, như: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả ô tô KDVT; quy định về quy mô để phân loại các đơn vị KDVT; quy định về phạm vi hoạt động đối với từng loại hình, đồng thời có lộ trình cụ thể để các đơn vị vận tải có thời gian điều chỉnh, sắp xếp hoạt động KD phù hợp. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh được đơn giản và rút ngắn từ 15 ngày (theo quy định của Nghị định 91/2009/NĐ-CP) xuống còn 5 ngày. Bổ sung trường hợp đơn vị KDVT bị thu hồi giấy phép KD khi vi phạm quy định về KD và điều kiện KDVT gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với vận tải khách tuyến cố định; sửa đổi, bổ sung các quy định đối với xe buýt (bỏ quy định cự ly tuyến xe buýt không quá 60 km, kéo giãn cách thời gian giữa các chuyến xe buýt liền kề ngoài nội thành, nội thị từ 45 phút lên 60 phút; bổ sung quy định thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến xe buýt không dưới 12 giờ/ngày). Bổ sung các quy định đối với vận tải hành khách bằng taxi (từ ngày 1/7/2016, taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe); sửa đổi, bổ sung các quy định đối với vận tải hành khách theo hợp đồng (khi vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới). Từ ngày 1/7/2015, xe vận tải hành khách du lịch có tải trọng từ 10 khách trở lên trước khi thực hiện hợp đồng thì đơn vị KDVT phải thông báo cho Sở GTVT nơi cấp giấy phép KDVT các thông tin cơ bản của chuyến đi, hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng…
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ, các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép KDVT hành khách bằng ô tô, đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch và cơ quan quản lý tuyến chấp thuận. Đơn vị KDVT hành khách, KDVT hàng hóa phải có giấy phép KDVT bằng ô tô (gọi chung là giấy phép KD). Đối với những loại hình KDVT chưa được cấp giấy phép KD trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc cấp giấy phép KD thực hiện theo lộ trình sau: Trước ngày 1/7/2015, đối với xe đầu kéo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc KDVT phải có giấy phép KDVT bằng ô tô (trừ ô tô KDVT hàng hóa bằng container). Trước ngày 1/1/2016, đối với ô tô KDVT hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên. Trước ngày 1/7/2016, đối với ô tô vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn. Trước ngày 1/1/2017, đối với ô tô KDVT hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn và trước ngày 1/7/2018, đối với ô tô KDVT hàng hóa có tải trọng thiết kế dưới 3,5 tấn. Đối với loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/12/2014, việc lắp đặt được thực hiện lần lượt, như: trước ngày 1/7/2015 đối với taxi, sơ-mi rơ-moóc KDVT và trước ngày 1/1/2016, đối với ô tô KDVT hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 10 tấn trở lên…
Theo Báo Cần Thơ