Điện Biên: Chấn chỉnh, xử lý xe quá tải, quá khổ

Thứ ba, 25/03/2014 08:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xe ô tô chở quá tải, quá khổ là một trong những nguyên nhân chính làm cho hạ tầng giao thông đường bộ nhanh xuống cấp và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến trên các tuyến quốc lộ, tỉnh, huyện lộ của tỉnh Điện Biên. Song đến nay, việc xử lý xe quá tải, quá khổ còn gặp nhiều khó khăn.

Điện Biên có 4 tuyến quốc lộ chạy qua là: Quốc lộ 279, 12, 6, 4H với tổng chiều dài 468km và rất nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ. Trên các tuyến đường huyết mạch này, hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện vận tải quá tải, quá khổ lưu thông. Trong đó, chủ yếu là các xe chở xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chủ phương tiện xe quá tải, quá khổ hầu hết đã tự ý cơi nới thùng xe, độn thêm nhíp để có thể chở được thêm nhiều hàng hóa so với tiêu chuẩn cho phép của xe. Có những xe ô tô chỉ đáp ứng vận chuyển hàng hóa có trọng tải 18 tấn, sau khi cơi nới thùng xe, độn nhíp thì có thể vận chuyển số lượng hàng hóa có tải trọng lên 30 – 40 tấn. Tại tuyến Quốc lộ 279, đoạn chạy qua địa phận huyện Điện Biên mặc dù đã nhiều lần được nâng cấp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại bị xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu do xe quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông. Đoạn đường này có nền đường yếu vì hai bên ven đường đều là ruộng hàng ngày đang phải oằn mình dưới những bánh xe nặng 40 – 60 tấn nên đường bị xuống cấp nhanh cũng không quá khó hiểu.


Nhiều xe có trọng tải lớn lưu thông trên tuyến Quốc lộ 12.

Không chỉ các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và các tuyến đường liên xã cũng đang phải chịu chung tình trạng trên. Anh Lường Văn Bình, bản Phăng 3, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) bức xúc cho biết: Gần đây, trên địa bàn xã có nhiều hộ khai thác và kinh doanh cát xây dựng. Mỗi ngày, có hàng chục xe ô tô ra vào để vận chuyển cát làm cho trục đường chính của xã bị xuống cấp, hư hỏng nặng và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an an toàn giao thông.

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Công văn chỉ đạo số 3527/UBND ngày 29/11/2013 về việc xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát hành vi vi phạm chở hàng hóa quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thanh tra giao thông, Công an tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô quá tải, quá khổ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các chủ xe chấm dứt việc cơi nới thùng xe, độn nhíp, chở hàng quá trọng tải. Trong đó tập trung vào các xe chở xi măng, vật liệu xây dựng và các xe chở hàng hóa dưới xuôi lên.

Tình trạng xe chở quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn khá phổ biến nhưng các cơ quan chức chưa áp dụng được các biện pháp để xử lý. Năm 2012, Thanh tra giao thông đã lập biên bản và xử phạt 40 trường hợp xe chở quá tải, quá khổ, nộp ngân sách nhà nước 65 triệu đồng. Nhưng năm 2013, lực lượng thanh tra giao thông đã không xử lý được trường hợp nào về xe quá tải, quá khổ.

Lý giải điều này, ông Trương Huy Thịnh, Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT Điện Biên) cho biết: Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về xe quá tải, quá khổ còn gặp rất nhiều khó khăn. Để kiểm tra xe chở quá tải, quá khổ đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe như: Không thể kiểm tra ở trên quốc lộ, phải có trạm cân đạt tiêu chuẩn, bến đỗ cho xe vào kiểm tra, kho chứa hàng hóa quá tải... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có trạm cân. Theo Nghị  định 171/2013/NĐ-CP, xe chở quá tải quá khổ đều bị xử phạt rất nặng như: Phạt hành chính, tịch thu bằng lái xe và yêu cầu lái xe phải hạ tải phần hàng hóa chở quá tải. Nhưng trên thực tế, hầu như không lái xe nào hạ tải và các biện pháp cưỡng chế hạ tải cũng không thực hiện được. Bởi vì thiếu bến bãi, thiếu phương tiện hạ tải và việc hạ tải đòi hỏi cần có nhiều thời gian mà các xe bị kiểm tra đều lưu thông trên các tuyến quốc lộ nên gây ảnh hưởng an toàn giao thông.

Ông Trương Huy Thịnh cho biết thêm: Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã cấp cho tỉnh Điện Biên một chiếc cân lưu động nhưng hiện tại chưa thành lập bộ máy tổ chức, chưa có trạm cân nên chưa đưa vào hoạt động. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Điện Biên sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập trạm cân lưu động, đầu tư kinh phí xây dựng các trạm cân đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Khi đó, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ sẽ được chấn chỉnh.

Theo Báo Điện Biên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)