Phát huy những lợi thế và tiềm năng vốn có để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực triển khai thi công nhiều dự án giao thông quan trọng, nhằm tạo sự liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, với các đô thị lớn, trung tâm phát triển của đất nước và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Phát huy những lợi thế và tiềm năng vốn có để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực triển khai thi công nhiều dự án giao thông quan trọng, nhằm tạo sự liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, với các đô thị lớn, trung tâm phát triển của đất nước và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Quảng Ninh lập dự án và huy động vốn thực hiện đầu tư. Đây là công trình giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối giao thông tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, cũng như các vùng Duyên hải Bắc Bộ, phát huy các lợi thế về cửa khẩu, cảng biển, sân bay trong khu vực và sớm hình thành mạng cao tốc trong khu vực.
Để phù hợp với nguồn vốn và hình thức đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư tuyến đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thành 2 dự án độc lập gồm: Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng theo hình thức hợp đồng BT, chiều dài trên 19 km, cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư trên 5.800 tỷ đồng. Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức hợp đồng BOT, chiều dài toàn cầu trên 3 km, tổng mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thăm một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Tỉnh
Hiện nay, cả 2 dự án đang được UBND tỉnh Quảng Ninh tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có thể sớm khởi công công trình năm 2014, hoàn thành năm 2016. Trong đó, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng đã được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT hoàn trả bằng vốn ngân sách địa phương và đang trong quá trình đàm phán hợp đồng BT.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án BT đang thực hiện dở dang để có biện pháp cân đối vốn khả thi hoặc dừng, giãn tiến độ thực hiện khi chưa thực hiện được vốn, chấm dứt khởi công mới các dự án dưới hình thức BT, sử dụng kinh phí Nhà nước. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đã dừng triển khai dự án tuyến đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng theo hình thức BT và có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh và nguồn vốn hợp pháp khác.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với Bộ GTVT, đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, chủ động trong phát triển hạ tầng, đầu tư các dự án trọng điểm tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh.
Đồng chí đề xuất Bộ GTVT xem xét và có hướng giúp Quảng Ninh trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên số 1 dành cho dự án Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Trên cơ sở vướng mắc còn tồn tại, đồng chí đề nghị Bộ GTVT cùng tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế; thống nhất chỉ định nhà thầu để tổ chức khởi công sớm dự án này.
Về những kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đồng tình cao và phân cấp triệt để cho địa phương để tỉnh chủ động trong việc lập dự án và kêu gọi nhà đầu tư. Đối với Dự án tuyến nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng; Dự án Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, đồng chí khẳng định đây là dự án cần thiết và cam kết sẽ cùng các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh báo cáo Chính phủ. Đồng thời, đề nghị tỉnh rà soát lại quy mô, kết cấu để giảm chi phí đầu tư của dự án.
Đối với Dự án cao tốc Hạ Long – Móng Cái, theo thiết kế, Dự án có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật gồm tuyến chính đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 – 120km/h, quy mô 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 132km có điểm đầu Ngã tư Cái Mắm nối đường nối TP Hạ Long với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II. Dự án đi qua 7 địa phương: Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 2,1 tỷ USD. Với Dự án cầu Bắc Luân II, theo thiết kế, Dự án có chiều dài 618m, trong đó chiều dài cầu về phía Trung Quốc thi công là 463,5m, cầu về phía Việt Nam thi công là 154,5m. Quy mô cầu được xây dựng dạng cầu vòm dầm hộp bê tông dự ứng lực, mặt cầu rộng 27,7m. Vị trí xây dựng cầu Bắc Luân II nằm cách cầu Bắc Luân hiện tại khoảng 3,2km về phía hạ lưu của sông Bắc Luân.
Đối với Cảng hàng không Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 5.128 tỷ đồng, công suất tiếp nhận từ 2 đến 5 triệu lượt hành khách/năm; lượng hàng hoá 30.000 tấn/năm.
Cho ý kiến về các dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng sẽ triển khai thực hiện sớm nhưng cần chia thành các dự án và phân kỳ đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư. Đối với dự án Sân bay Vân Đồn, Bộ Giao thông Vận tải cùng tỉnh báo cáo Chính phủ cho triển khai Dự án và đề nghị giao Tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Bộ sẽ phối hợp với Tỉnh trong giải quyết thủ tục, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, đối với các dự án xây dựng cảng biển, đường sắt…Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ hỗ trợ Tỉnh.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp, những công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh sẽ được triển khai và sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Tỉnh./.
Nguồn: quangninh.gov.vn