Những năm qua, thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các cấp, các ngành trong tỉnh Thái Bình đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển và đạt được những kết quả khá khả quan. Với ngành vận tải biển và công nghiệp đóng tàu của tỉnh...
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các cấp, các ngành trong tỉnh Thái Bình đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển và đạt được những kết quả khá khả quan. Với ngành vận tải biển và công nghiệp đóng tàu của tỉnh, sau thời kỳ phát triển nóng hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Thái Bình có 56km bờ biển, kéo dài từ cửa Thái Bình đến cửa Ba Lạt, có cảng Diêm Ðiền, cảng cá Tân Sơn và cảng cá Nam Thịnh; ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 4 con sông lớn với tổng chiều dài 268km, trong đó sông Hồng dài 90km, sông Trà Lý dài 70km, sông Luộc dài 72km, sông Hóa dài 36km. Hệ thống sông nội đồng bao gồm 12 sông với tổng chiều dài 236km. Thái Bình cũng được đánh giá là tỉnh có năng lực vận tải biển và đội tàu khai thác hải sản khá mạnh. Ngoài 203 tàu vận tải biển với tổng tải trọng trên 802.000 tấn, toàn tỉnh còn có trên 1.000 tàu sông và 1.122 tàu, thuyền cơ giới khai thác hải sản.
Hiện nay, thị trường của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chủ yếu là thị trường nội địa từ miền Bắc đi các tỉnh miền Nam với các mặt hàng là xi măng, clinke, than, nông sản, thực phẩm, sắt thép, phân đạm... Một số doanh nghiệp mở rộng việc vận chuyển hàng hóa đi Indonesia, Phillipinnes, Malaysia, Thái Lan... với các mặt hàng chủ yếu là xi măng, phân bón, lưu huỳnh, dừa, gạo. Các doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, bình quân mỗi doanh nghiệp vận tải biển có khoảng 1,3 tàu, do tư nhân đầu tư hoặc góp cổ phần. Về ngành đóng tàu, hiện toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước là Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Ðiền và Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Bình thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hàng hóa vận chuyển, giá cước thấp trong khi chi phí vận tải tăng, hầu như các doanh nghiệp đều bị thua lỗ kéo dài. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đang đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều chủ tàu mặc dù biết thua lỗ nhưng vẫn buộc phải chạy tàu để giữ phương tiện, tài sản và trả lương cho công nhân. Nhiều tàu đã xuống cấp nhưng chủ tàu không đủ nguồn tài chính để duy trì, bảo dưỡng định kỳ. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp vận tải biển nợ đến hạn phải trả ngân hàng và các tổ chức tín dụng cả gốc lẫn lãi lên tới gần 2.000 tỷ đồng; trong đó nợ xấu chiếm 5% tổng dư nợ cho vay. Về thuế, các doanh nghiệp vận tải biển đang nợ đọng khoảng 200 tỷ đồng.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp vận tải biển là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản xuất đình trệ nên sản lượng hàng hóa và nhu cầu vận chuyển giảm dẫn đến tình trạng cung vượt cầu về vận tải, kéo theo giá cước giảm. Ngoài ra, hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư nâng cấp, hệ thống luồng ra vào cảng không được nạo vét thường xuyên gây khó khăn cho các tàu ra, vào cảng. Năng lực thông qua cảng Diêm Ðiền còn thấp, các tàu lớn chưa thể ra vào để bốc xếp hàng hóa. Dịch vụ cầu cảng còn nhiều bất cập, thiếu cầu cảng để nhận, trả hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về quy mô và năng lực. Vận tải biển chủ yếu phục vụ khách hàng trong nước, thủ tục hành chính tại cảng chưa thông thoáng, thuận tiện, việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục còn ở mức độ...
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải biển, UBND tỉnh đã lập kế hoạch rà soát, tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp đóng tàu và vận tải biển trên địa bàn tỉnh; giao Sở Giao thông vận tải lập quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông thủy nội địa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lập dự án đầu tư nâng cấp cảng Diêm Ðiền, tổ chức nạo vét luồng vào cảng; lập phương án xây dựng kè chắn cát, thực hiện vào quý I năm 2015; rà soát lại thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Việc siết chặt kiểm tra tải trọng xe đường bộ theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng sẽ góp phần cơ cấu lại thị phần giữa các phương thức vận tải hàng hóa theo hướng giảm áp lực cho vận tải đường bộ, tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường sắt. Việc ổn định và phát triển vận tải biển và công nghiệp đóng tàu còn giúp khai thác tốt thềm lục địa gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.