Quốc lộ 19: Dấu ấn từ một con đường

Thứ hai, 27/10/2014 09:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quốc lộ 19 hay còn được gọi là Xa lộ 19 được khởi công xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến năm 1958 thì được chính quyền thời bấy giờ tái thiết từ nguồn vốn do Hoa Kỳ viện trợ 17 triệu USD. Công việc tái thiết này kéo dài đến tháng 6/1961 thì hoàn tất và tổ chức lễ khánh thành. Đây cũng là con đường huyết mạch nối thông các tỉnh Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau năm 1975, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, Quốc lộ 19 đã bước sang một trang mới khi từ cung đường này kết nối và mở ra cơ hội giao thương hợp tác quốc tế.

Quốc lộ 19 hay còn được gọi là Xa lộ 19 được khởi công xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến năm 1958 thì được chính quyền thời bấy giờ tái thiết từ nguồn vốn do Hoa Kỳ viện trợ 17 triệu USD. Công việc tái thiết này kéo dài đến tháng 6/1961 thì hoàn tất và tổ chức lễ khánh thành. Đây cũng là con đường huyết mạch nối thông các tỉnh Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau năm 1975, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, Quốc lộ 19 đã bước sang một trang mới khi từ cung đường này kết nối và mở ra cơ hội giao thương hợp tác quốc tế...


Một đoạn của Quốc lộ 19

Quốc lộ 19 có điểm khởi đầu từ cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và điểm cuối là Cửa khẩu Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai, với tổng chiều dài 240 km (Gia Lai 169,5 km, Bình Định 70,5 km). Trên địa phận Gia Lai, một nhánh của Quốc lộ 19 với tên thường gọi là đường 19B có điểm đầu là đỉnh Hàm Rồng (TP. Pleiku) và điểm cuối là Cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), xuyên suốt chiều dài 64 km của cung đường là một hành trình đi lên vững vàng trong gian khó, là chứng nhân lịch sử của miền biên giới Tây Nguyên.

Theo lời kể của ông Trần Văn Thạc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai, sau năm 1975 khi Đoạn Quản lý Đường bộ (trực thuộc Phân khu Đường bộ - đơn vị tiền thân của Công ty) tiếp nhận quản lý từ Km 180-Km 244 thì Quốc lộ 19B khi ấy vẫn chỉ là con đường đất đỏ bụi mù trời dẫn qua các đồn điền, dinh điền xưa cũ. Dù là quốc lộ nhưng quy mô bề ngang mặt đường chỉ 5 mét, nhiều đoạn mặt đường còn nhỏ hơn 1 vệt xe chạy, làng xóm cư dân hai bên đường cực kỳ thưa thớt. Theo thời gian, được Nhà nước quan tâm đầu tư dần dần thì Quốc lộ 19B được nâng cấp lên đường cấp phối sỏi đồi, giai đoạn những năm 1984-1995 được xây dựng cấp phối đá dăm láng nhựa với chiều rộng mặt đường từ 3,5 mét đến 5,5 mét. Đến năm 2005, Cục Quản lý Đường bộ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 đoạn tuyến Hàm Rồng - biên giới Việt Nam - Campuchia, chiều dài 64 km, quy mô đường bê tông nhựa, bề rộng mặt đường 7 mét. Dự án này đã hoàn thành và bàn giao cho Công ty quản lý, sửa chữa, duy tu từ năm 2008 đến nay.

Là cung đường nối liền địa bàn TP. Pleiku và 2 huyện biên giới Chư Prông, Đức Cơ, diện mạo của Quốc lộ 19B cũng đổi thay từng ngày theo từng bước đi lên của mỗi vùng đất mà nó đi qua. Dấu ấn đậm nét nhất, sâu sắc nhất vẫn là từ 2 miền biên trấn - cũng chính là 2 vùng chuyên canh sản xuất cây nông nghiệp trù phú hiện nay. Với Chư Prông, dấu ấn đồn điền Bàu Cạn với những người đảng viên cơ sở đầu tiên ở Gia Lai năm xưa, những nỗ lực khai hoang phục hóa - đẩy mạnh sản xuất, xây dựng nông thôn mới đã đưa Chư Prông trở thành địa bàn có diện tích cây công nghiệp dài ngày lớn trong tỉnh, quy mô phát triển các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, hồ tiêu. Đến năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện lên đến 72.949 ha, tổng đàn gia súc 59.557 con. Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh, nhất là công nghiệp sản xuất chế biến, phân phối điện và chế biến nông sản. Từ đó, thu ngân sách của huyện trong những năm qua luôn giữ ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, chất lượng đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét, kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư mạnh mẽ; an ninh - chính trị được giữ vững.

Ở điểm cuối cung đường, Cửa khẩu Lệ Thanh đã được nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế từ năm 2007. Với một diện mạo mới, tầm vóc mới đã tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Đức Cơ nói riêng và Gia Lai nói chung. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh tế biên mậu giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh phía Campuchia đã đạt được những kết quả đáng kể, Quốc lộ 19B kết nối giao thông với Quốc lộ 78 (tỉnh Rattanakiri - Campuchia) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại 2 nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đã tăng trưởng mạnh, đơn cử như kim ngạch xuất nhập khẩu các doanh nghiệp trong tỉnh sang thị trường Campuchia 5 năm (2006 - 2010) đạt 47 triệu USD; nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt gần 20 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu như: Gỗ xẻ, hàng nông sản. Cùng với sự hợp tác về thương mại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Campuchia với nhiều dự án khai hoang, trồng, khai thác, sơ chế cao su với quy mô lớn...

Nguồn: Báo Gia Lai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)