Kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 87/2010 về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn, công tác này vẫn còn nhiều bất cập do một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, bảo trì đường bộ, chưa thu hút được các đơn vị chuyên ngành tham gia vào lĩnh vực này...
Kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 87/2010 về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn, công tác này vẫn còn nhiều bất cập do một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, bảo trì đường bộ, chưa thu hút được các đơn vị chuyên ngành tham gia vào lĩnh vực này...
Thành phố Vinh có 290 tuyến đường giao thông (mặt đường rộng từ 7m trở lên) gồm: 134,5 km đường nhựa, 9,6 km đường nhựa bán thâm nhập, 13,4 km đường bê tông xi măng… Toàn bộ hệ thống giao thông này đều được UBND TP. Vinh giao cho Công ty CP Quản lý & Phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý, bảo trì. Công ty CP Quản lý & Phát triển hạ tầng đô thị Vinh có một đơn vị gồm 40 người và nhiều thiết bị chuyên dụng nên đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, bảo trì đường giao thông. Bên cạnh đó, đơn vị này còn thiết lập được dữ liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP. Vinh. Đây không chỉ là cơ sở để xây dựng nhu cầu vốn đầu tư sát đúng với thực tế trong việc duy tu, bảo trì đường giao thông, mà còn cung cấp những dữ liệu quan trọng cho các cấp, ngành, các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Cùng với dữ liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP.Vinh và thông qua công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng hư hỏng từ thực tế có thể xác định được khối lượng, trình tự ưu tiên các hạng mục sửa chữa và dựa trên đơn giá theo quy định của Nhà nước để lập nhu cầu vốn phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư bị hạn chế. Năm 2014, nhu cầu nguồn đầu tư phục vụ cho công tác quản lý, bảo trì hạ tầng kỹ thuật là 35 tỷ đồng, nhưng UBND TP. Vinh chỉ đáp ứng được 3,5 tỷ đồng (năm 2013 cũng chỉ đáp ứng được 10% nguồn vốn). Trong điều kiện đó, ông Bùi Đức Lộc - Giám đốc Công ty CP Quản lý & Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cho biết: Đơn vị đã sử dụng dữ liệu hệ thống hạ tầng để phân tích, đánh giá thực trạng từng tuyến đường và đưa ra kế hoạch ưu tiên trong công tác bảo trì.
Như vậy, có thể thấy được lợi ích của việc giao cho một đơn vị chuyên ngành trong công tác quản lý và bảo trì đường giao thông. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 địa phương thực hiện tốt Quyết định 87/2010 của tỉnh, đó là TP. Vinh, TX Cửa Lò (giao cho Ban Quản lý đô thị phụ trách) và huyện Quỳ Châu (giao cho Đội Quản lý giao thông nông thôn). Trong khi đó, theo Quyết định 87/2010 của tỉnh thì UBND cấp huyện hợp đồng với các tổ chức có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và đã được cấp có thẩm quyền cấp phép kinh doanh để thực hiện một số nội dung công việc mang tính kỹ thuật, đòi hỏi phải có chuyên môn, hoặc thực hiện toàn bộ các nội dung công việc liên quan đến bảo trì công trình. Đối với đường xã, UBND cấp xã tổ chức thực hiện toàn bộ các nội dung về công tác quản lý, còn trong công tác bảo trì thì xã hợp đồng với các tổ chức có đủ năng lực, chuyên môn để đảm nhận… Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhiều địa phương vẫn đang vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng với các đơn vị đảm nhận công việc quản lý, bảo trì đường bộ. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này, được biết họ chưa “mặn mà” với công việc quản lý, bảo trì đường huyện, xã vì nguồn vốn hàng năm đầu tư vào quá ít, đã vậy trách nhiệm lại cao… Huyện Nghi Lộc quản lý 26 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 174,1 km (trong đó có 132,9 km đường nhựa, 1,3 km đường bê tông và 32,9 km đường đất) và gần 645,4 km đường xã, xóm (trong đó đường nhựa 3,5 km, đường bê thông hơn 247,26 km, 1,6 km cấp phối và 197,21 km đường đất). Nhiều tuyến đường nhựa của huyện làm từ năm 2005 - 2007, đến nay cần được đầu tư bảo trì và nhiều tuyến đường xã cũng cần nâng cấp.
Trước thực trạng xuống cấp của hệ thống đường giao thông do địa phương quản lý, bảo trì, Quỹ Bảo trì đường bộ đã hỗ trợ 72,8 tỷ đồng (trong đó nguồn 35% thu phí ô tô do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cấp 53 tỷ đồng và nguồn thu phí xe mô tô địa phương là 19,8 tỷ đồng) để phục vụ cho công tác quản lý, bảo trì đường giao thông tại một số huyện, xã. Cùng với đó, thông qua dự án giao thông nông thôn 3 (nguồn vốn đầu tư nước ngoài) đã đầu tư 20,3 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường của 8 huyện và sửa chữa định nền, mặt đường của một số huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả công tác này, thì các địa phương cần quan tâm bố trí đủ nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo trì đường bộ”.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kéo theo thiếu những đơn vị chuyên ngành, thì các cấp, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương cần lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc đầu tư nguồn vốn làm đường giao thông, như : Nhà máy mía đường NA&L trong 4 năm liền (mỗi năm đầu tư 500 triệu đồng) để rải nhựa 5 km tại đường ĐT 531; Hay dự án trang trại chăn nuôi bò sữa TH đầu tư hàng tỷ đồng rải thảm nhựa hơn 6 km tại đường ĐT 531…/.
Nguồn: Báo Nghệ An