Chiều ngày 30/10, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan và các Hiệp hội vận tải biển, thảo luận về các kiến nghị của các Hiệp hội vận tải biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình đề xuất tuyến hành hải thẳng từ khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng. Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp.
Chiều ngày 30/10, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan và các Hiệp hội vận tải biển, thảo luận về các kiến nghị của các Hiệp hội vận tải biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình đề xuất tuyến hành hải thẳng từ khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng. Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp.
Dự họp có các đồng chí Phó Cục trưởng cùng lãnh đạo các phòng ban của Cục HHVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam và đại diện các Vụ của Bộ GTVT: Pháp chế, KHCN, Vận tải và ATGT cùng các Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) An Lư, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình...
Cuộc họp bàn về đề xuất đối với tàu biển hạn chế III chạy thẳng trên vịnh Bắc Bộ
Sau khi nhận được văn bản đề xuất của các Hiệp hội, Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội nhằm trao đổi thêm về nội dung mà Hiệp hội đang kiến nghị. Trước đó, vấn đề này đã được Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền đề xuất tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp Vận tải biển và Cảng biển năm 2014 do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 05/8/2014 nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả và an toàn vận tải biển và cảng biển.
Theo báo cáo của Hiệp hội nếu hành hải cách bờ không quá 20 hải lý từ Hải Phòng đến Đà Nẵng, quãng đường là 372 hải lý. Theo cách hành hải chạy thẳng (tập quán lâu nay tàu vẫn đang chạy), quãng đường là 300 hải lý. So sánh hai cách hành hải trên thì chênh lệch 72 hải lý, tiết kiệm được khoảng 10 giờ chạy tàu (tốc độ tàu khoảng 7 knots), giảm chi phí cho đội tàu khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 21:2010/BGTVT về quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, tàu thỏa mãn những yêu cầu quy định trong Quy chuẩn, quy phạm về sức bền thân tàu, ổn định, mạn khô, máy và hệ thống động lực, trang thiết bị...và hoạt động trong vùng biển hạn chế.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến nay, tại khu vực Vịnh Bắc Bộ đã xảy 07 vụ tai nạn hàng hải. Qua công tác điều tra các vụ tai nạn chìm đắm nói trên cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do nghiệp vụ xếp dỡ hàng hóa trên tàu không phù hợp (một số trường hợp chở quá trọng tải theo quy định) dẫn đến điều kiện ổn định của tàu không thỏa mãn, kết hợp với việc hành trình trong điều kiện thời tiết xấu và do yếu tố con người. Vụ tai nạn liên quan đến tàu Phú Tân có vùng hoạt động không hạn chế thì lại xảy ra tổn thất về người là lớn nhất. Ngoài ra, tại khu vực Vịnh Bắc Bộ cho thấy đa số các vụ tai nạn là do thời tiết và đâm va giữa các tàu biển với nhau.
Đánh giá về tuyến chạy thẳng, báo cáo của Cục HHVN nêu rõ một số yếu tố liên quan đến việc chạy thẳng trên Vịnh Bắc Bộ từ Hải Phòng đến Đà Nẵng như thời tiết, vùng hoạt động....trong đó cần nghiên cứu tính toán phù hợp để đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và các quy định liên quan với các điều kiện thực tế.
Theo tác nghiệp của Cục HHVN trên hải đồ do Hải quân nhân dân Việt Nam tái bản lần thứ 5 năm 2010 tại hải đồ tỷ lệ I-1000-01: Đường hành hải thẳng từ Hải Phòng đến chính ngang bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) khoảng 280 hải lý, tuyến hành trình này cách đảo Hải Nam, Trung Quốc xa nhất khoảng 60 hải lý, cách bờ biển Việt Nam xa nhất khoảng 100 hải lý (tại vùng biển Diễn Châu, Nghệ An). Đường hành hải cách bờ không quá 20 hải lý thì tàu chạy sẽ phải chuyển hướng khoảng 9 lần từ Hải Phòng vào Đà Nẵng và với quãng đường khoảng 353 hải lý (xa hơn chạy thẳng cắt Vịnh Bắc Bộ khoảng 73 hải lý).
Trong thực tiễn ngành Hàng hải, để thiết lập tuyến hành trình từ điểm A đến điểm B cần dựa trên các yếu tố và theo thứ tự ưu tiên như: Mức độ an toàn trong chuyến hành trình; thời gian hành trình và cuối cùng là tính kinh tế. Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuyền trưởng các tàu sẽ phải lựa chọn phương án an toàn cho tuyến hành trình của mình, phù hợp với điều kiện thủy văn, mùa hoạt động và điều kiện kỹ thuật cho phép của tàu.
Để đáp ứng kiến nghị của các Hiệp hội vận tải biển, phần lớn đại biểu tham dự họp đề xuất cần xem xét, sửa đổi quy phạm phân cấp tàu vỏ thép cho phù hợp hơn với một số yêu cầu đối với trang thiết bị buồng lái; thông tin vô tuyến điện; phương tiện cứu sinh, có thể phân chia theo vùng hoạt động nội địa, quốc tế hoặc có thể phân chia theo mùa hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với hành trình chạy thẳng trên Vịnh Bắc Bộ từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng, có thể nghiên cứu thiết lập tuyến hành trình (hoặc vùng hành trình cho phép, thuyền trưởng căn cứ vào điều kiện thời tiết và các yếu tố liên quan để lập chuyến đi) cho tàu biển có vùng hoạt động hạn chế VRH II, III, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu về mặt kỹ thuật và tính kinh tế cho phù hợp với điều kiện địa lý các tỉnh ven biển Vịnh Bắc Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật đề nghị Tổ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, đề xuất để báo cáo lên Lãnh đạo Bộ GTVT. Trong thời gian này, các chủ tàu và thuyền trưởng tàu vẫn phải chấp hành nghiêm các quy định, quy phạm hiện hành.
LMC- Vụ ATGT