Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi hạn chế uống rượu bia, đồng thời vận động mọi người đẩy mạnh tiêu thụ sữa như Công đoàn GTVT phát động.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông về lời kêu gọi “Hãy bớt đi chén rượu, cốc bia để góp phần giảm thiểu TNGT và uống thêm cốc sữa để tăng cường sức khỏe, thiết thực hỗ trợ giúp đỡ người chăn nuôi bò sữa” do Công đoàn GTVT Việt Nam phát động.
CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông
Cuộc vận động mang ý nghĩa xã hội thiết thực và nhân văn
Quan điểm của ông thế nào về lời kêu gọi trên của Công đoàn GTVT, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam rất đáng báo động, TNGT có nguyên nhân từ rượu bia đặc biệt nhức nhối, trong khi tại nhiều nơi nông dân phải đổ bỏ sữa bò do gặp khó khi tiêu thụ?
Việc cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông đã được quy định bởi Luật GTĐB. Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động VN đặc biệt quan tâm vấn đề này từ nhiều năm qua.
"CBCNLĐ không uống bia rượu trong giờ làm việc. Khi đã uống bia rượu thì không tham gia giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và những người khác” - Ông Nguyễn Văn Ngàng
Bia rượu hiện đã bị lạm dụng đến mức không thể chấp nhận được đối với mỗi cá nhân và xã hội chúng ta. Thông tin TNGT những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cho thấy gần như các trường hợp tử vong trong các vụ TNGT đều có liên quan đến lạm dụng bia rượu. Rất nhiều trường hợp bị thương khi kiểm tra đều có nồng độ cồn trong máu. Đấy là chưa kể rượu bia còn gây tổn hại sức khỏe về lâu dài, tạo gánh nặng lớn cho xã hội. Nếu tính trên đầu người, người Việt Nam đang uống bia rượu nhiều nhất thế giới.
Trong khi sữa là một trong những thực phẩm được coi là thải độc. Trước đây trong chế độ ăn của những lao động nặng nhọc có quy định tiêu chuẩn sữa. Tôi cũng hoan nghênh việc ủng hộ các sản phẩm sữa, nhất là của các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cũng đang chung tay xây dựng nông thôn mới, và ngành chăn nuôi là một trong những ngành chủ đạo.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và cá nhân tôi rất đồng tình và ủng hộ lời kêu gọi của Công đoàn GTVT Việt Nam. Tôi đánh giá đây là một cuộc vận động mang ý nghĩa xã hội thiết thực và nhân văn, mang đến nhiều lợi ích lớn từ một hành động nhỏ. Ai cũng có thể làm được và vận động người khác làm theo.
Ông Nguyễn Văn Ngàng
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu
Vậy để cuộc vận động này sớm đi vào cuộc sống, theo ông cần làm gì?
Bia rượu phải bị cấm hoàn toàn khi tham gia giao thông. Bia rượu cũng phải bị cấm hoàn toàn trong giờ làm việc. Ngoài giờ làm việc thì vận động mọi người nên hạn chế.
Để thành công, việc cấm rượu bia nên linh hoạt từng nhóm đối tượng. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ vấn đề này. Với các cơ quan, nhà máy, tôi đề nghị phải đưa vào quy định của cơ quan về việc sử dụng rượu bia, có quy chế làm việc, chấm điểm lao động, điểm thi đua, xét thưởng phạt trong tháng, cuối năm. Bên cạnh đó, phải có bộ phận theo dõi giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện.
Việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao đã phát huy tác dụng với những lái xe chuyên nghiệp. Nhiều tài xế taxi tâm sự không dám uống rượu bia trước khi lái xe, bởi lẽ họ đi làm cả ngày được vài trăm nghìn, nếu chẳng may bị CSGT phạt vì trong người có hơi men thì coi như “mất toi” mấy ngày công. Thế nên những tài xế này chấp hành rất nghiêm túc quy định về nồng độ cồn.
Nhưng tôi thấy với những người làm ăn kinh doanh, người điều khiển xe cá nhân vẫn chưa chấp hành nghiêm túc ngay cả với mức phạt như hiện nay.
Tới đây, Tổng Liên đoàn lao động VN có tính đến việc nhân rộng cuộc vận động này ra công đoàn cả nước, thưa ông?
Về việc nhân rộng, như trên tôi đã nói, Tổng Liên đoàn lao động VN đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi hạn chế uống rượu bia, đồng thời vận động mọi người đẩy mạnh tiêu thụ sữa như Công đoàn GTVT phát động.
Lượng bia người Việt Nam tiêu thụ mỗi năm đang ở mức báo động
Mức phạt phải điều chỉnh được hành vi
Phải chăng mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi mức phạt phải điều chỉnh được hành vi của người tham gia giao thông. Nhưng quan trọng hơn là cần giáo dục nâng cao ý thức của người dân về tác hại của lạm dụng rượu bia, làm sao để tự người dân tự giác phòng tránh mới là quan trọng.
Tôi thấy như ở Mỹ rượu rất rẻ, nhưng để tìm được chỗ uống rượu rất khó. Trong các khách sạn đều cấm uống rượu, hút thuốc. Ai vi phạm phạt rất nặng. Ai muốn uống rượu phải tìm đến những nơi có giấy phép đăng ký bán rượu. Còn ở ta chỗ nào cũng có thể uống được rượu bia, từ vỉa hè đến nhà hàng khách sạn. Thậm chí, ngay cả trong các căng tin cũng được phép bán và uống rượu bia. Nhiều khi ngay giữa giờ làm việc cũng uống, vừa hết giờ làm là tụ tập nhau ngồi mấy giờ đồng hồ ở quán bia rượu.
Theo ông, người lao động thuộc doanh nghiệp khối nào đang uống ít rượu bia nhất hiện nay?
Đó là các doanh nghiệp thuộc khối FDI có những kỷ luật lao động rất cứng rắn và nghiêm túc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quy định cấm rượu bia. Ai vi phạm sẽ bị phạt nghiêm nên người lao động chấp hành nghiêm túc. Các lao động thuộc khối lực lượng vũ trang cũng thực hiện rất nghiêm túc quy định về sử dụng rượu bia. Tôi cũng hy vọng ngành GTVT sẽ là ngành đi đầu trong việc không sử dụng bia rượu trong giờ làm việc.
Ngành GTVT có lực lượng cán bộ, công nhân viên rất lớn liên quan rất nhiều đến quản lý trật tự xã hội trong lĩnh vực giao thông. Cán bộ công nhân viên chức ngành giao thông cần chấp hành nghiêm chủ trương không dùng rượu bia, chất kích thích trong giờ làm việc, khi tham gia giao thông.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!