Bộ GTVT vừa có Văn bản số 11098/BGTVT ngày 20/8/2015 gửi Chính phủ về việc xin thí điểm thực hiện Đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grabcar).
Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, AdTOS, iMove. Điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GTVT của quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng bộc lộ một số bất cập, cụ thể như có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp bởi tổ chức thành lập và đăng ký hoạt động hợp pháp tại VN, nhưng cũng có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp bởi một tổ chức nước ngoài, không đăng ký hoạt động ở VN; phần mềm hỗ trợ kết nối chủ yếu được ứng dụng cho loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi và hợp đồng, nhưng cá biệt vẫn có trường hợp xe chưa được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cũng sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Điều này là chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Ngày 15/7/2015, Bộ GTVT đã nhận được văn bản đề nghị của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam gửi kèm Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong năm 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, đồng thời nhằm tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách đáp ứng các vấn đề mới phát sinh của xã hội, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ thuộc Bộ phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hướng dẫn Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bổ sung, hoàn thiện Đề án thí điểm nêu trên.
Mục tiêu của Đề án thí điểm nhằm đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật; tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải; đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.
Đối tượng và địa bàn áp dụng của Đề án thí điểm là các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng (khai thác xe ô tô dưới 9 chỗ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng) tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Về quy trình kết nối - giao kết hợp đồng thực hiện theo Đề án thí điểm, Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam hỗ trợ lái xe của các đơn vị vận tải tham gia Đề án thí điểm cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ đặt xe ô tô sẽ tải ứng dụng GrabTaxi vào thiết bị di động thông minh và đăng ký tài khoản sử dụng, sẽ được thông báo rõ các điều khoản và điều kiện áp dụng dịch vụ kết nối trên giao diện của ứng dụng và qua thư điện tử. Việc hành khách tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và thao tác nhấn nút đặt xe ô tô có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa hành khách và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các nội dung cơ bản của hợp đồng vận tải hành khách (bao gồm: quyền lợi của hành khách, địa chỉ nơi đi và đến, thời gian thực hiện và giá trị hợp đồng) sẽ được thể hiện rõ trong quá trình khách hàng tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và đặt xe.
Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam tự đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm. Thời gian đề nghị thực hiện Đề án thí điểm từ năm 2015 đến tháng 12/2018. Sau khi kết thúc Đề án thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp hoàn chỉnh chính sách về vận tải hành khách bằng ô tô.
VH