Ngày 29/11, Ông Bùi Xuân Chính, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, đơn vị thi công cầu Long Bình cho biết, đơn vị đã vừa phối hợp với đơn vị thi công phía Campuchia tổ chức hợp long cầu vào sáng 27/11.
Cầu Long Bình - Chray Thom ngày hợp long
Cầu Long Bình – Chrey Thom có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, kết cấu nhịp chính dạng dầm hộp, tổng chiều dài cầu 439,6m, nhịp thông thuyền 120m; rộng 13,5m với 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tĩnh không thông thuyền cao 7m, rộng 30m. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 800 tỷ đồng (38,4 triệu USD), được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của Chính phủ Việt Nam và nguồn vốn của Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Dự án đầu tư xây dựng phía Việt Nam do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 7 làm đại diện); Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng HJC và Công ty TNHH tập đoàn Thắng Lợi thi công xây dựng Gói thầu số 10, xây dựng 1/2 cầu phía Việt Nam đến điểm hợp long; Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam tư vấn thiết kế; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625 tư vấn giám sát. Phần cầu phía Campuchia và cầu số 1 do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 thực hiện; phần đường vào cầu phía Campuchia và cầu số 2 do nhà thầu Campuchia thi công.
Công nhân chuẩn bị hợp long cầu Long Bình - Chray Thom
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn huyện An Phú được phân định bởi dòng sông Bình Di. Con sông này chảy qua hàng loạt cửa khẩu như Long Bình, Bắc Đai, Vĩnh Hội Đông... có lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tổng trị giá hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, chưa có cây cầu nối liền hai bờ nên việc qua lại biên giới bị ngăn cách bằng những chuyến đò, phà hết sức khó khăn.
Dự án cầu Long Bình - Chray Thom là biểu tượng, minh chứng sống động mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam- Campuchia. Trước đó, Thủ tướng 2 nước Việt Nam và Campuchia đã đến dự và phát động lễ khởi công. Hiện, công trình đang được các bên gấp rút triển khai thi công các hạng mục còn lại để sớm đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo ông Chính: “Tuy được phát động khởi công từ ngày 14/1/2014 nhưng đến tháng 8/2014 cầu mới chính thức được xây dựng do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là khó khăn trong việc vận chuyển các thiết bị, vật tư đến công trình do phải di chuyển bằng đường thủy nhỏ hẹp. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực cầu Long Bình đã chính thức hợp long và dự kiến sẽ khánh thành và thông xe kỹ thuật vào trước Tết Nguyên Đán 2016”.
Ông Nguyễn Văn Thao, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú chia sẻ: “Cuối năm 2011, tỉnh lộ 956 được nâng cấp thành Quốc lộ 91C đã mở ra hướng phát triển mới cho huyện. Đến nay, nhiều đoạn đường, cầu, cống trên tuyến đường huyết mạch này được các Bộ, ngành quan tâm đầu tư nâng cấp do đó sẽ đảm bảo lưu thông. Đặc biệt, trong đó có cầu Long Bình khi xây dựng xong sẽ là động lực để huyện phát triển mạnh về kinh tế”.
Được biết, cầu Long Bình là công trình giao thông trọng điểm quốc gia nối liền hai bờ sông Bình Di trên tuyến biên giới Tây nam từ tỉnh An Giang qua tỉnh Kaldal, Campuchia. Công trình do Chính phủ Việt Nam huy động gói tín dụng trị giá gần 19 triệu USD giúp Chính phủ Campuchia xây dựng (phần phía nước bạn). Khi cầu hoàn thành sẽ là đường ngắn nhất nối Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia tới biên giới Việt Nam.