Quốc lộ 14 là đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau khi hoàn thành thì thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh chỉ còn 2/3 thời gian so với trước đây. Điều này tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp muốn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất các ngành nghề thế mạnh tại Tây Nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện
- Được biết, hơn 30.000 tỷ đồng đã được đầu tư để nâng cấp các tuyến quốc lộ ở Tây Nguyên. Nhờ đó, hệ thống giao thông nơi đây đã thay đổi, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực nơi đây, thưa ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: Phải thấy rằng sau khi đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng để tập trung cho tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 14, bây giờ là đường Hồ Chí Minh đã đem lại một diện mạo mới cho giao thông nơi đây. Việc kết nối giữa các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên với các vùng miền tạo sự liên hoàn thuận lợi hơn so với trước. Nhờ đó, bà con đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở các tỉnh Đắc Lăk, Lâm Đồng, Đắc Nông đi lại giao thương, vận chuyển hàng hóa nông lâm sản… rất thuận lợi. Chính nhờ giao thông thuận lợi nên đã tạo được động lực cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn so với những năm trước đây để phát triển kinh tế. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn giao thông cũng được nâng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, đối với Tây Nguyên do đặc thù là không có giao thông đường biển cũng như đường sắt. Trong khi đường hàng không chưa phải là chủ lực, chính vì vậy Chính phủ vẫn chủ trương từ giai đoạn 2016 - 2020, quan tâm phát triển giao thông đường bộ là lĩnh vực chủ đạo cho vùng Tây Nguyên. Vì vậy, để hệ thống giao thông đường bộ của Tây Nguyên thời gian tới tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ hơn thì việc đầu tư ngoài nguồn vốn của Chính phủ, nguồn vốn của địa phương cũng cần được quan tâm để nâng cấp các đường kết nối đối với trục đường chính Hồ Chí Minh, từ đó sẽ tạo được hiệu quả thực sự đối với giao thông đường bộ cho tất cả các tỉnh, đặc biệt là các vùng kinh tế trong khu vực.
Ảnh nguồn: ITN
- Để khu vực Tây Nguyên có bước đột phát phát triển giao thông nhưng tránh được đầu tư dàn trải, theo ông cần có các giải pháp nào?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: Để giao thông ở Tây Nguyên tránh được đầu tư dàn trải, nhưng hệ thống đường bộ nơi đây phải bảo đảm tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực khác thì trước hết phải đẩy mạnh công tác duy tu, bảo trì, bảo vệ hành lang các tuyến đường đã được xây dựng cơ bản. Đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đã được xây dựng. Cùng với đó, các tỉnh trên địa bàn cần phải thống nhất quy hoạch khu vực kinh tế trọng điểm tập trung, từ đó mới tiến hành đầu tư và nâng cấp tuyến đường giao thông kết nối với trục chính thì mới phát huy được hiệu quả đồng bộ hạ tầng giao thông nơi đây. Bên cạnh đó là phải đẩy mạnh tăng cường công tác xã hội hóa phát triển hệ thống đường bộ kết nối giữa các vùng miền kinh tế tập trung với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
- Hạ tầng giao thông đường bộ đã tiên phong mở đường đi trước, theo đó những kỳ vọng mà ngành giao thông muốn đưa lại cho khu vực Tây Nguyên, thưa ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: Việc phát triển giao thông đường bộ kéo theo đó mạng lưới phát triển về dịch vụ vận tải chắc chắn sẽ tốt hơn, từ đó giúp cho người dân và doanh nghiệp ngoài việc đi lại nhanh chóng, giảm thiểu được thời gian thì còn nâng cao được công tác bảo đảm an toàn giao thông. Hệ thống giao thông phát triển cũng kéo theo nhiều doanh nghiệp nâng cấp phương tiện vận tải, nhờ đó nâng cao được chất lượng dịch vụ cho người dân, đây là điệu kiện có tính ổn định, không mang tính chất thời vụ như trước đây. Cùng với đó, khi giao thông thuận lợi thì việc phát triển kinh tế giữa các vùng miền với nhau chắc chắn là hiệu quả hơn và giá thành vận tải sẽ đưa về giá thật, như thế việc lưu thông hàng hóa sẽ tốt hơn. Qua đó, ta có thể thấy vùng phát triển kinh tế của Tây Nguyên sau khi có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh và tốt lên thì chắc chắn sự giàu có của các đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt những vùng dân tộc thiểu số sẽ hưởng thụ được những dịch vụ tốt hơn của xã hội đem lại, từ đó nền kinh tế chung của Tây Nguyên sẽ đi lên và mở mang được nhiều hơn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng còn nghèo sẽ có điều kiện tốt hơn để xóa đói giảm nghèo. Từ đó, kinh tế phát triển đi lên, nông thôn mới sẽ giàu có và cuộc sống về vật chất, tinh thần sẽ khá lên.
- Xin cám ơn ông!
Vận tải đường bộ hiện đóng vai trò quan trọng tại Tây Nguyên, với tổng chiều dài khoảng 32.220 km. Trong đó, quốc lộ khoảng 2.100 km, gồm hai trục dọc đường Hồ Chí Minh là Quốc lộ 14 cũ và Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới và các trục ngang, gồm các quốc lộ: 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B, 55; tỉnh lộ khoảng 2.030 km. Còn lại là đường giao thông nông thôn khoảng 25.600 km.