Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, các Sở GTVT và các Hiệp hội vận tải về vấn đề quản lý xe hợp đồng.
Cuộc đối thoại đã thu hút đông đảo các đơn vị kinh doanh
vận tải, cơ quan quản lý với nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắng
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đưa ra 7 vấn đề cần đóng góp, lấy ý kiến các cơ quan quản lý là các Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải. Nhóm 7 vấn đề được đưa ra thảo luận bao gồm: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; Không được sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; Bổ sung quy định xe hợp đồng được phép sử dụng hợp đồng điện tử; Bổ sung quy định phạm vi hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; Danh sách hành khách phải được in bằng máy tính, thông báo cho sở GTVT; Bổ sung quy định xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm; Rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết 7 vấn đề này chính là những ý kiến được tổng hợp từ 3 hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định số 86/ NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được tổ chức tại 3 khu vực nhằm có những sửa đổi phù hợp với thực tế hiện nay.
Tại buổi đối thoại đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hiện nay giải pháp quản lý xe hợp đồng còn cứng nhắc, vì vậy giải pháp quản lý xe hợp đồng cần linh hoạt hoạt hơn, cần tăng cường xử phạt, thậm chí nếu tái diễn có thể tước quyền khai thác của đơn vị đó.
Đại diện Nhà xe Phương Trang cho rằng nếu doanh nghiệp
vi phạm nhiều lần thì nên cương quyết rút giấy phép.
Theo đại diện Nhà xe Phương Trang, không nên hợp thức hóa xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định, cùng với đó cần quy định rõ điểm đón đối với xe hợp đồng. Ngoài ra, nên tăng nặng mức phạt đối với các đơn vị vi phạm. Cụ thể, Sở GTVT dựa vào hộp đen thấy lộ trình của xe khách nào đó cứ lặp đi lặp lại thì cần lập lực lượng liên ngành để xử lý, nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần thì nên cương quyết rút giấy phép.
Đại diện nhà xe Thành Bưởi quản lý qua thiết bị giám sát hành trình sẽ đảm bảo sự quản lý chặt chẽ.
Đại diện Nhà xe Thành Bưởi (TP. Hồ Chí Minh), để quản lý xe hợp đồng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng một phần mềm quản lý loại hình này, khi đó mỗi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng sẽ được gắn tương ứng với user của doanh nghiệp đó, trước khi doanh nghiệp thực hiện một hợp đồng chở khách sẽ phải tự lên đó khai báo các thông tin. Cơ quan quản lý khi đó chỉ cần căn cứ những thông tin mà doanh nghiệp khai, kết hợp với quản lý qua thiết bị giám sát hành trình là sẽ đảm bảo sự quản lý chặt chẽ.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
cho biết chỉ riêng tại Hà Nội hiện đã có 3.500 xe hợp đồng.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, vấn đề quản lý xe hợp đồng chạy trá hình xe tuyến cố định đã nóng từ nhiều năm nay. Việc quản lý loại hình xe hợp đồng là rất khó khăn, ví dụ như chỉ riêng tại Hà Nội hiện đã có 3.500 xe hợp đồng do cá nhân quản lý. Như thế là đã tạo ra sự manh mún, vì vậy cần phải tái cơ cấu lại ngành vận tải, cần phải gom các chủ xe cá nhân lại với nhau để thành lập một tổ chức, khi đó cơ quan chức năng mới quản lý được.
Còn theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên hợp thức hóa xe chạy hợp đồng, cơ quan chức năng quản lý bằng giá vé. Vì vậy, có thể cho một loại hình kinh doanh vận tải cố định bắt khách ngoài bến.
Bên cạnh đó nhiều ý cho rằng, nếu yêu cầu xe hợp đồng đón khách tại một vị trí cố định và hành trình cố định sẽ giải quyết được vấn đề. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng cần kiện toàn lại ngành vận tải, tức là cần quy định phải có bao nhiêu xe mới được kinh doanh vận tải hợp đồng, … các ý kiến cơ bản thống nhất với cách đặt vấn đề của Tổng cục Đường bộ VN. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị cần tăng cường hiệu lực quản lý vận tải tại các địa phương. Bên cạnh đó có những quy định rõ ràng hơn giữa loại hình vận tải tuyến cố định với xe hợp đồng để tránh tình trạng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định như hiện nay.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho rằng hoạt động vận tải lộn xộn, chịu áp lực lớn nhất là do xe hợp đồng nên thời gian tới cần hoàn thiện các quy định pháp lý để quản lý chặt chẽ loại hình này. Về lâu dài tiến tới không chạy xe hợp đồng nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho hành khách. Tổng cục trưởng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện bán vé điện tử phục vụ sự đi lại thuận tiện của người dân, có chất lượng tốt thì chắc chắn xe chạy tuyến cố định sẽ hút khách. Về phía Tổng cục ĐBVN, Tổng cục trưởng hứa trong quý III Tổng cục ĐBVN sẽ xây dựng xong phần mềm quản lý loại hình này.
Kết thúc buổi đối thoại, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định toàn bộ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp hôm nay sẽ được ghi nhận, nghiên cứu để đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định số 86 và các Thông tư hướng dẫn trong thời gian tới.