Sáng 16/3, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) tổ chức Hội thảo đầu kỳ “Dự án của Liên hợp quốc về tăng cường năng lực quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia của các nước đang phát triển”.
Tham dự Hội thảo về phía Bộ GTVT có Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT; Sở GTVT các tỉnh và thành phố; các Hiệp hội…
Về phía UNESCAP có ông Peter O’Neill, Trưởng ban Chính sách và phát triển giao thông UNESCAP ; các chuyên gia kinh tế Châu Âu, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ tại Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch phát biểu khai mạc cuộc họp đầu kỳ
Dự án của Liên hợp quốc về tăng cường năng lực quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia của các nước đang phát triển
Phát biểu khai mạc cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Nguyễn Văn Thạch cảm ơn UNESCAP đã luôn tích cực hỗ trợ ngành Giao thông vận tải trong thời gian qua. Vụ trưởng cho biết: An toàn giao thông (ATGT) ở Việt Nam trong những năm qua đã giành được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, trong thời gian từ 2011 đến 2015 tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, đặc biệt trong hai năm 2014 và 2015 số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 9.000.
Vì những nỗ lực trong việc giảm tai nạn giao thông ở nước ta, ông Thạch cho biết, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia để hỗ trợ thực hiện “Dự án của Liên hợp quốc về tăng cường năng lực quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia của các nước đang phát triển”, thời gian thực hiện dự án trong 02 năm (từ năm 2016 đến năm 2017). Dự án nhằm xác định các nội dung cần thiết và ưu tiên nhất trong an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam và cải thiện an toàn đường bộ trong các khu vực ưu tiên.
Để thực hiện Dự án, Bộ GTVT phối hợp với UNESCAP tổ chức cuộc họp đầu kỳ nhằm thảo luận và đưa ra các mục tiêu, sơ lược kế hoạch, kết quả chính và tiến độ thực hiện Dự án. Tại đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trình bày tổng quan chung về hiện trạng ATGT đường bộ tại Việt Nam, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tiến hành thảo luận những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.
Ông Peter O’Neill, Trưởng ban Chính sách và phát triển giao thông UNESCAP phát biểu tại Hội thảo
Vinh dự khi được tới làm việc với Việt Nam và nhận thấy sự quyết tâm mạnh mẽ và tâm huyết rất cao của các đối tác VN trong Dự án. Phát biểu tại Hội thảo, ông Peter O’Neill, Trưởng ban Chính sách và phát triển giao thông UNESCAP đánh giá ATGT đường bộ xảy ra không phải do bản thân nó, mà trong hoạt động này yêu cầu mỗi người làm việc phải có tâm huyết, tinh thần cao, phải có sự đầu tư về mặt thời gian, kiến thức, nguồn lực. Do đó, ở VN vấn đề này còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Peter O’Neill cho biết, hiện UNESCAP đang đặt ra chỉ tiêu về ATGT đường bộ, giảm một nửa số người tử vong và thương vong do các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào trước năm 2020 bởi các trường hợp TNGT nghiêm trọng xảy ra thường vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng mỗi người; ước tính cứ mỗi một người mất đi thì có khoảng 4 người bị tàn tật do TNGT.
Các thành phố ở VN ngày càng lớn, người dân ở các thành phố, thị trấn ngày càng gia tăng, điều này càng tạo ra nhiều nguy cơ về mất trật tự ATGT, tiềm ẩn gia tăng TNGT nên cần đáp ứng nhanh nhất trước khó khăn, thách thức và thực hiện càng sớm càng tốt vấn đề đảm bảo ATGT. “Nếu cân nhắc về vấn đề này trong giai đoạn lập kế hoạch thì càng tiết kiệm được nhiều chi phí và đạt hiệu quả cao. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, hơn là chỉ ở đó giải quyết những hậu quả đã xảy ra” - ông Peter O’Neill nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Peter đưa ra những nội dung chính trong dự án tập trung vào đánh giá thực trạng về ATGT ở VN; tìm ra các giải pháp để xây dựng kế hoạch phù hợp khắc phục giải quyết vấn đề ATGT; đồng thời thông qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý ATGT đường bộ VN nhằm mong muốn sự tham gia, chia sẻ tích cực từ các đại biểu để Dự án thành công.
Đại diện UNESCAP Ms. Thanattaporn Rasamit tham luận về
tiến trình thực hiện ATGT đường bộ ở châu Á và Thái Bình Dương
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trong nước trình bày về hiện trạng an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam những khó khăn, thách thức; các chuyên gia quốc tế trình bày về tổng quan chung về tai nạn giao thông đường bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời các đại biểu cũng tiến hành thảo luận tích cực về nội dung dự án, những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong an toàn đường bộ tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội ATGT Nguyễn Văn Quyền góp ý, đề xuất tại Hội thảo
Nhất trí với các nội dung được đề cập trong Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN – Chủ tịch Hiệp hội ATGT có ý kiến nhấn mạnh đây là dự án rất cần thiết, có nội dung bao quát rộng, giải quyết vấn đề cơ bản nhằm đảm bảo về ATGT đường bộ. Tuy nhiên, nhận thấy vấn đề ATGT giao thông nông thôn (GTNT), đặc biệt là trong vài năm trở lại đây TNGT khu vực nông thôn có chiều hướng tăng cao, ông Quyền đề xuất tại Hội thảo bổ sung vào Dự án một số nội dung.
Cụ thể, về năng lực quản lý ATGT đường bộ, hiện nay việc tổ chức quản lý ATGT trên các tuyến GTNT ở VN còn nhiều bất cập từ công tác tuyên truyền pháp luật, quản lý hạ tầng, tổ chức kiểm tra kiểm soát, nên trong khuôn khổ của Dự án nên có nội dung tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng về quản lý an toàn giao thông đường bộ giao thông nông thôn cho các lực lượng chức năng của xã, huyện, thị trấn.
Bên cạnh đó, trên hệ thống đường GTNT còn có bất cập về biển báo, các thiết bị an toàn ở các điểm giao cắt giữa đường GTNT với quốc lộ và đường sắt cần phải được quan tâm, chú ý và tăng cường đảm bảo các điều kiện về an toàn. Đồng thời, cần tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng lái xe an toàn và tiết kiệm nhiên liệu cho đội ngũ lái xe vận tải; đổi mới, nâng cao hiệu quả tuần tra về công tác tuần tra kiểm soát...
Hội thảo cũng tập trung vào thảo luận các vấn đề để tiến tới hợp tác, triển khai Dự án với mục tiêu nâng cao ATGT tại Việt Nam, sớm đưa Dự án trở thành hiện thực, có hiệu quả trong việc giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình trạng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hai bên khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi để
Dự án được nghiên cứu thực tế và triển khai một cách có hiệu quả
Tr. B