Không dừng lại ở hạ tầng đường bộ, các dự án thuộc ba lĩnh vực đường thủy, đường sắt, hàng không vốn được coi là ít tiềm năng và khó triển khai đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
Đường sắt Việt Nam
Không còn là “vùng trắng”
Hiện nay, đã có một số dự án thuộc ba lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường thủy, những lĩnh vực trước đây được coi là “vùng trắng” của ngành đã hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần giảm tải cho đường bộ. Chẳng hạn, với đường sắt, dự án nâng tốc độ bình quân chạy tàu tuyến đường sắt Thống Nhất từ 60 km/giờ lên 77 km/giờ, bán vé tàu điện tử đã thu hút nhiều hành khách và tạo thuận lợi cho người dân. Các dự án đường thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra 1.100 km đường thủy, vùng đồng bằng Bắc Bộ có gần 500 km đường thủy được nâng cao năng lực vận tải, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp vận tải vận chuyển. Hay việc hoàn thành cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nhiều cảng khác đã đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn năm 2011 lên khoảng 470 triệu tấn năm 2015, giúp giảm giá thành vận tải và giảm tải đáng kể cho vận tải đường bộ Bắc - Nam.
Riêng về hàng không, việc đưa vào khai thác công trình phụ trợ tại các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương... đã đưa tổng năng lực phục vụ từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng không đang tăng nhanh...
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng - Phó trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dụ án đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy, giai đoạn 2011-2015, phần lớn nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng ngành giao thông là đầu tư cho đường bộ (200.000 tỷ đồng). Một điều đáng mừng là trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn xã hội hóa được các nhà đầu tư chuyển dịch dần sang các dự án đường thủy, đường sắt, hàng không.
Nhiều dự án đang được triển khai
Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT sẽ tập trung cho các dự án thuộc 3 lĩnh vực này như: Nâng cấp đường sắt tuyến Bắc - Nam đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/giờ đối với tàu khách và 50 - 60 km/giờ đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn; nâng cấp các cảng hàng không quốc tế, đưa tổng năng lực phục vụ lên 100 triệu hành khách/năm, đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành; hiện đại hóa hệ thống cảng biển quốc gia để tiếp nhận tàu container thế hệ mới… Nhiều nhà đầu tư đang đăng ký bỏ vốn để phát triển các dự án thuộc ba lĩnh vực này.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến năm 2016 hàng chục dự án đã được các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý như: Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II, nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, cải tạo tuyến vận tải sông Móng Cái... Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa Việt Nam cũng cho biết, đường thủy là lĩnh vực khó thu hút đầu tư xã hội hóa, song với nhiều dự án sắp được triển khai, cho thấy việc thu hút đầu tư xã hội vào đường thủy là hoàn toàn khả thi.
Tương tự, lĩnh vực đường sắt, gần đây như có một luồng gió mới thúc đẩy ngành này xã hội hóa. Ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Đường sắt đang thí điểm kêu gọi đầu tư vào dự án Đà Lạt - Trại Mát và đã có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia. Còn theo ông Trần Hùng, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), VNR đang rất nỗ lực gỡ vướng về cơ chế, để kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt. Đến nay, dự án xã hội hóa đầu tiên đã được thực hiện là Trung tâm Logistics - Đường sắt ga Yên Viên (Hà Nội). Dự án này như một hình mẫu để có thể áp dụng kêu gọi cho các dự án khác như: Bãi hàng ga Đồng Đăng, ga Lào Cai...
Đối với lĩnh vực hàng không, chưa bao giờ các dự án hạ tầng lại hấp dẫn như hiện nay. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhận định: Hàng loạt dự án trong giai đoạn đầu tư từ năm 2016 - 2020 như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Vân Đồn, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh... có tổng nhu cầu vốn hơn 230.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước khó đáp ứng. Việc xã hội hóa đầu tư và khai thác các nguồn vốn khu vực tư nhân vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa mở ra các cơ hội lớn cho các nhà đầu tư…
“Trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho hạ tầng ngày càng hạn hẹp, việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế là giải pháp hiệu quả. Kế hoạch huy động vốn cho hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới cần rất nhiều tiền, nên ngành giao thông phải tính đến hiệu quả kinh tế của từng dự án, để tránh thất thoát, lãng phí” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định.