Khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai): Hàng trăm công nhân quyết tâm làm ngày, làm đêm

Thứ sáu, 08/04/2016 10:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngay sau khi tai nạn sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) xảy ra khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, Công đoàn Đường sắt VN cùng với lãnh đạo Tổng Công ty kêu gọi hàng trăm cán bộ, công nhân, thậm chí là các trưởng tàu từ các tỉnh Thanh Hóa, Huế, Bình Thuận tập trung về Đồng Nai khắc phục sự cố để tuyến đường sắt huyết mạch sớm được khôi phục, thông suốt.

CNLĐ ngành đường sắt trên công trường thi công cầu Ghềnh (Đồng Nai).

Chung sức khắc phục sự cố

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, khu vực xung quanh cầu Ghềnh đang trở thành đại công trường. NLĐ tại đây làm việc liên tục không nghỉ để đảm bảo kế hoạch đến giữa tháng 7/2016 đưa cầu Ghềnh mới vào hoạt động. Trên bờ, dù thời tiết nắng nóng, các CN vẫn đang tích cực tháo dỡ các thanh ray đường sắt, đào đất... Phía dưới sông Đồng Nai, các đơn vị thi công tiếp tục khảo sát, rà soát lại lòng sông sau khi đã trục vớt hết các nhịp cầu Ghềnh bị sập ra khỏi khu vực thi công. Để vượt tiến độ trước giữa tháng 7, nhiều CN làm việc 3 ca, việc ăn uống cũng diễn ra ngay tại công trường để tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút. Hiện nay, sau khi thanh lọc lòng sông, các đơn vị thi công đang thực hiện xây dựng cầu Ghềnh mới rất khẩn trương.

Trong khi đó, tại ga Biên Hòa, ga Hố Nai, ga Trảng Bom (Đồng Nai), hàng trăm CN, cán bộ của ngành đường sắt cũng đang hối hả làm việc để tuyến đường sắt Bắc - Nam được thông suốt, hành khách bắt đầu trở lại đi tàu nhiều hơn thời điểm sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra. Để tiếp sức cho NLĐ, các cán bộ CĐ cũng luôn bám sát hiện trường, động viên, chia sẻ, chung tay cùng NLĐ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua đó tại các ga và trên đại công trường đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu.

“Trong những ngày tập trung khắc phục hậu quả sập cầu Ghềnh, có nhiều tấm gương cán bộ đường sắt đã hy sinh lợi ích bản thân để phục vụ người dân, DN. Như anh Đáng - Trưởng ga Trảng Bom (Đồng Nai) - đã phải “giải phóng” trại nuôi heo (gần 100 con) để lấy mặt bằng nâng cấp ga Trảng Bom từ một ga hạng 4 tăng công suất lên gấp 2-3 lần; hay anh Hoàng Ngọc Thành - trưởng tàu SE43, đoàn tiếp viên đường sắt phía Nam - tình nguyện làm nhân viên khuân vác hàng hóa miễn phí cho hành khách tại ga Biên Hòa. Hiện nay, đang có khoảng 500 cán bộ, CN các đơn vị tập trung về Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom làm việc tại khu vực này. Trong đó, có nhiều người là CN tình nguyện làm thêm ngày, thêm giờ khắc phục sự cố, cõng hành khách, vận chuyển hành lý, làm 3 ca liên tục” - ông Mai Thành Phương - Chủ tịch CĐ ĐSVN - cho biết.

Sớm đưa cầu mới vào khai thác từ giữa tháng 7

Ông Nguyễn Đình Ân - Trưởng ga Biên Hòa - cho biết, trước đây, ga Biên Hòa 1 ngày đón tiễn khoảng 100 khách, bây giờ tăng thành hàng nghìn khách. Do đó, ngành đường sắt điều động về ga Biên Hòa khoảng hơn 20 người làm công tác chạy tàu, chuẩn bị đầu máy toa xe, như một nhà ga đầu tiên để tàu xuất phát đi. Ngoài ra, ga Biên Hòa còn huy động nhiều người có kinh nghiệm từ ga Sóng Thần về. Một trong số đó là ông Võ Nguyễn Bá Mạnh (SN 1967) có 30 năm công tác, là nhân viên khám tàu, cấp nước chuẩn bị điện nước, phục vụ hành khách. “Lúc bình thường tôi chỉ phải phục vụ 7 lượt tàu đi - 7 lượt tàu về, nhưng với sự động viên của lãnh đạo và CĐ ngành, hiện nay tôi gắng phục vụ một ngày hơn 40 lượt tàu đi và về. Sau khi sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra, bản thân tôi cảm thấy phải năng nổ làm việc để góp sức cùng ngành đường sắt khắc phục sự cố” - ông Mạnh chia sẻ.

Tại ga Trảng Bom, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết: Từ những nỗ lực của cán bộ, CN ngành đường sắt, các ga Hố Nai, ga Biên Hòa, ga Trảng Bom đã tăng cường năng lực vận tải, tất cả công việc khắc phục đang diễn ra khẩn trương. Các ga này vừa triển khai thi công vừa khai thác, có năng lực cao hơn, cầu Ghềnh mới đã thực hiện xong thiết kế, bắt đầu thi công, dự kiến đưa vào khai thác giữa tháng 7/2016.

hoavt

Nguồn: Báo Lao động

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)