Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động gặp gỡ các Hiệp hội, các logictis để phối hợp, phân tích tìm nguồn hàng và có các giải pháp cụ thể thu hút các chủ hàng, các doanh nghiệp vận tải tham gia vào sàn giao dịch vận tải.
Báo cáo tại buổi làm việc với Tổng cục ĐBVN về triển khai sàn giao dịch vận tải thí điểm và tích hợp các dự liệu lên sàn giao dịch vận tải (GDVT), ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc SGDVT VinaTrucking cho biết: Mục đích của việc hình thành Sàn giao dịch vận tải hàng hóa là tạo môi trường để các đơn vị kinh doanh vận tải đăng tải, giới thiệu năng lực của mình và nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng để vận chuyển; các chủ hàng đăng tải nhu cầu vận tải, tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu và có giá cước thấp nhất. Đồng thời thông qua hoạt động của các sàn giao dịch vận tải người làm tổ chức vận tải sẽ phát hiện các quy luật của các luồng hàng đi, hàng về trên các hành lang vận tải để có tỷ lệ hàng 2 chiều cao nhất. Từ đó, mang lại hiệu quả cho các đơn vị kinh doanh vận tải; tính công khai minh bạch sẽ được thực hiện hóa khi mà mọi thông tin về hàng hóa, giá cước sẽ được hiển thị hết lên sàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phan Thị Thu Hiền phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, sau 4 tháng đi vào hoạt động, số lượng các chủ hàng, chủ doanh nghiệp tham gia sàn còn ít, chưa tin tưởng vào hoạt động của sàn dẫn đến sự gắn kết giữa các chuyến hàng không hiệu quả.
Liên quan đến những khó khăn mà sàn Vinatrucking đưa ra, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Bộ cũng như Tổng cục rất quan tâm đến hoạt động của sàn giao dịch vận tải, trong thời gian qua Vụ Vận tải của Bộ và Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với sàn trong tất cả các hoạt động, công tác hỗ trợ quảng bá sàn giao dịch Vina trong thời gian qua rất sát, Vụ đã gửi công văn cho tất cả các Sở đề nghị tuyên truyền cho hoạt động của sàn GDVT.
Theo ông Thủy, về vấn đề doanh nghiệp chưa tin tưởng tham gia vào sàn tức là sàn GDVT chưa khẳng định được uy tín về hoạt động giao dịch, giống như các hoạt động khác, thời gian đầu chưa khẳng định được uy tín nên phải có hợp đồng bảo lãnh để gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch khi đó chủ hàng, chủ doanh nghiệp mới tin tưởng. Ví dụ khi có vấn đề gì xảy ra trong quá trình giao dịch thì trách nhiệm của sàn đến đâu, như thế nào trong việc giải quyết vấn đề, các doạnh nghiệp, các chủ hàng nhìn thấy khi tôi bị như thế thì tôi có được cái gì? quyền lợi của tôi sẽ được giải quyết như thế nào? sàn có vào tham gia giải quyết hay không, thì doanh nghiệp mới tin tưởng được. Ông Thủy chia sẻ.
Lý giải vì sao việc gắn kết giữa các chuyến hàng ít, số lượng hàng tham gia trên sàn ít, ông Thủy cho biết: Giai đoạn đầu các giao dịch tương đối ít, công ty phải có bộ phận kết nối chủ động đi tìm nguồn hàng để đưa lên sàn giao dịch, thậm chí sàn phải tự làm bài toán giao dịch cho họ chứ không phải họ tự tìm, tự làm. Theo ông Thủy, thời gian đầu phải có biện pháp "gây nghiện" để thu hút họ tham gia, chứ không phải cứ đăng lên đi rồi người ta phải làm từ A-Z thì không bao giờ họ làm bởi vì 1 doanh nghiệp chỉ cần gọi 1 cú điện thoại là sẽ có người làm tất cả cho họ, ông Thủy khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Tô Nam Toàn Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ khẳng định: Mục đích của Sàn giao dịch vận tải nhằm cung cấp dịch vụ và quản lý vận tải, để tăng nguồn hàng, sàn cần phải chủ động phân tích dự liệu về nguồn hàng, số lượng, khối lượng, giá cả, lộ trình vận chuyển… gửi đến cho doanh nghiệp, chủ hàng, đơn cử như gửi thông tin cho các doanh nghiệp vận tải hiện nay đang có đơn hàng với khối lượng như thế này, cần vận chuyển tới đâu để họ ghép đơn hàng hoặc doanh nghiệp vận tải này đang rộng hàng chiều đi hoặc chiều về, phải có thông tin cụ thể để chủ hàng, doanh nghiệp vận tải nắm được như thế mới thu hút họ tham gia vào sàn.
Đưa ra giải pháp tạo uy tín cho sàn giao dịch vận tải trong công tác vận chuyển, ông Toàn đưa ra gợi ý có thể tham khảo đưa vào áp dụng "bảo hiểm vận chuyển hàng hóa" đối với hàng hóa bởi vì ngoài mục đích bảo đảm các giao dịch ra thì bảo hiểm hàng hóa cũng bảo đảm an toàn lưu thông, vì đã từng có nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn, xe Container sẵn sàng đâm chết người để bảo vệ hàng hóa của mình.
Liên quan đến vấn đề kết nối, theo ông Toàn, các sàn phải cung cấp cho các chủ xe, chủ hàng thông tin, đơn hàng chi tiết, biết được chiều nào rộng, đơn hàng như thế nào, khối lượng cần vân chuyển… như vậy các sàn phải có sự kết nối để khách hàng có thể xem được tất cả thông tin ở các sàn. Về góc độ quản lý nhà nước,Tổng cục ĐBVN là đơn vị điều phối và trung tâm kết nối các giao dịch cần để quản lý cần phải có thông tin tổng hợp, yêu cầu các sàn phải cung cấp thông tin tổng hợp, thông tin chung.
Ngoài ra, theo ông Toàn để thực hiện mục tiêu lâu dài về xây dựng được chỉ số giá vận tải đối với các sàn, cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định cụ thể đối với các dịch vụ vận tải sử dụng vống ngân sách để không vượt quá giá quy định.
Đồng tình với vấn đề này, ông Thân Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho hay: tất cả hoạt động vận tải hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước nhất quyết phải qua sàn, đấu thầu hẳn hoi, bởi hiện nay đối tượng này hoạt động không minh bạch, rất mù mờ về giá cả đã đẩy giá xây dựng lên cao nên phải tham gia sàn giao dịch và chế tài cụ thể để điều chỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Bên cạnh sàn giao dịch vận tải VinaTrucking đang hoạt động thì Hanel cũng đang đẩy nhanh hoàn thiện các bước cuối cùng để sau khi xây dựng hệ thống tích hợp sàn giao dịch vận tải cho Tổng cục ĐBVN sẽ xây dựng sàn giao dịch vận tải riêng cho Hanel. Dự kiến trong tháng 5 sẽ có cuộc trao đổi với Tổng cục ĐBVN để chốt thông tin. Đại diện công ty Hanel cho biết.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết: Để hoàn thiện sàn giao dịch vận tải và đưa vào hoạt động hiệu quả không phải mỗi đơn vị thực hiện mà đòi hỏi cả thị trường từ chủ hàng, doanh nghiệp vận tải… phải có ý thức, để các đơn vị đều vào sàn thì mức độ phát triển phải sánh ngang các nước phát triển. Hiện nay, Nhà nước đưa ra những phương án hỗ trợ, giải pháp phù hợp, tạo "cú hích" cho các sàn hoạt động, mục tiêu là minh bạch, hiện đại hóa 1 thị trường đang phát triển rất manh mún.
Theo bà Hiền, cho đến bây giờ dưới góc độ quản lý nhà nước Bộ GTVT chưa có 1 văn bản nào kể cả Nghị định của Chính phủ mang tính chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT để quản lý sàn giao dịch vận tải, ở đây chưa phát triển vận tải hàng hóa, mới phát triển vận tải hành khách trong phạm vi Grap taxi mà ta gọi chung là sàn giao dịch vận tải hành khách hợp đồng, thế nhưng bản thân sàn giao dịch vận tải hàng hóa thì mới ở mức độ xây dựng giải pháp giao thông thông minh cho nên chúng ta đưa vào tích hợp quản lý chung. Theo chúng tôi đánh giá hiện nay các sàn giao dịch vận tải đang phát triển theo quy định về giao dịch thương mại điện tử chung chứ chưa có quản lý riêng, Tổng cục vẫn đang theo khung pháp lý đó và sẽ hộ trợ theo hướng cơ quan quản lý chuyên ngành về quản lý vận tải.
Để triển khai các bước tiếp theo, vì nó liên quan đến giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số nên đối với giải pháp tích hợp yêu cầu vụ vận tải chủ trì trên cơ sở giải pháp mà Hanel đã gửi, riêng đối với tích hợp về sàn giao dịch thì lấy ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện các giải pháp đưa ra.
Qua kết quả hoạt động của sàn VinaTrucking sau 4 tháng triển khai, bà Hiền yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động gặp gỡ các Hiệp hội, các logictis để phối hợp, phân tích tìm nguồn hàng và có các giải pháp cụ thể thu hút các chủ hàng, các doanh nghiệp vận tải tham gia vào sàn giao dịch vận tải và hoạt động theo cơ chế thị trường chứ Bộ hay Tổng cục không thể hỗ trợ mãi được. Đồng thời, hiện nay Doanh nghiệp Vinh Hiển đang có lợi thế là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này, nếu không tận dụng triệt để lợi thế đó thì trong vòng 1 năm tới sẽ đi chậm lại so với các sàn đi vào hoạt động sau này, bà Hiền khẳng định.