Sáng 18/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện trực tiếp đi khảo sát vị trí xây dựng cầu treo dân sinh tại huyện Hữu Lũng và Chi Lăng (Lạng Sơn).
Tại những địa điểm Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khảo sát, tất cả người dân
đều có mong muốn được xây cầu phục việc đi lại an toàn và phát triển kinh tế của địa phương.
Trong chuyến đi này, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đã đi 6 địa điểm tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. 6 địa điểm này đã được Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân huyện Hữu Lũng và Chi Lăng đề xuất trên cơ sở mong muốn nguyện vọng của người dân. Tại mỗi vị trí khảo sát, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cùng đoàn công tác đã tìm hiểu về nhu cầu đi lại của người dân, lợi ích kinh tế, mực nước khi mùa lũ, chiều dài cầu xem có phù hợp với tiêu chí đề ra của Dự án hay không?
Chị Dung Thị Bắc khát khao có được cây cầu dân sinh.
Trao đổi với phóng viên, chị Dung Thị Bắc, người dân thôn Lá Đỏ, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng cho biết, công việc hàng ngày của gia đình chị là dùng phà chở khách qua sông nên chứng kiến nhiều cảnh tượng đau buồn, Để di chuyển sang hai bờ con sông Thương, người dân phải đi phà qua sông vào mùa cạn nhưng khi mùa lũ đến hai bờ sông Thương hoàn toàn bị cô lập, trẻ con không được đến trường, kinh tế trong vùng bị ngưng trệ nên dù biết nguy hiểm rình rập nhưng đây là con đường duy nhất để họ đi làm, đi học, nên cũng phải liều, khát vọng, mong mỏi có thêm cây cầu bắc qua sông.
Khi được hỏi nếu có cây cầu bắc qua đây kinh tế gia đình chị sẽ ra sao vì nguồn thu nhập chính của gia đình sẽ không còn? Không ngần ngại chị cho biết, gia đình chị sẽ trồng hoa quả, rau màu để bán miễn sao có cây cầu các con chị được đi lại an toàn, ngày nào lái phà chị cũng rất căn thẳng vì sợ các cháu bị đuối nước vì hiện giờ khi đi phà các cháu cũng không có áo phao để mặc. Chị cũng cho biết thêm năm 2013 khi lũ về bất chợt phà bị nghiêng cả 6 học sinh đều bị rơi xuống sông, may mà các cháu biết bơi nên vẫn bảo toàn được mạng sống nên giờ không chỉ chị mà tất cả người dân ở đây đều khát khao có được cây cầu.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện trực tiếp khảo sát vị trí xây dựng cầu treo dân sinh.
Bà Linh Thị Đào, Trưởng thôn Lá Đỏ cũng cho biết, nhu cầu đi lại qua sông Thương rất lớn mỗi ngày có 200, 300 lượt người qua lại, nhưng đến mùa mưa lũ thì cái phà này không còn an toàn nữa, chị nhớ lại vào mùa hồng (tháng 8 năm 2015), ba chiếc xe máy qua sông để chở hồng qua sông đi bán thì bất ngờ bị lật phà, tuy không thiệt hại về người nhưng xe máy và hồng đều bị cuốn trôi. Điều này đã làm cho người dân ở đây rất hoang mang, cả tháng không ai dám đi phà sang sông nữa.
Quy trình xác định vị trí xây dựng cầu dân sinh rất chặt chẽ.
Theo ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn, Lạng sơn có rất nhiều sông suối chia cắt các khu dân cư, khi chưa có cầu các cháu học sinh đi học rất vất vả, nguy cơ đuối nước rất cao nên việc xây dựng cầu dân sinh sẽ giúp các cháu an toàn hơn bên cạnh đó tạo được kết nối giữa hai thôn hai bên bờ sông việc xây dựng cầu sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng cho biết, để chuẩn bị cho dự án xây dựng cầu dân sinh giai đoạn 2, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức 16 đoàn đi rà soát trên 50 tỉnh thành. Tất cả các địa điểm rà soát đã được các Sở GTVT đã nghiên cứu trong đề án và đề xuất với Tổng cục ĐBVN. Đối với các vị trí chưa phù hợp sẽ không được xây dựng và sẽ ưu tiên với những điểm phù hợp. Đảm bảo tất cả các công trình đều phù hợp với tiêu chí có ý nghĩa sát thực với cuộc sống dân sinh xã hội. Nguồn vốn của Chính phủ qua Hiệp định vay vốn của Ngân hàng thế giới sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất cho chương trình xây dựng cầu dân sinh này”.
Tất cả những vị trí cấp thiết đều sẽ được xây dựng cầu phục vụ việc đi lại của bà con nhân dân.
Đáp lại nguyện vọng của bà con nhân dân, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, tất cả những vị trí cấp thiết đều sẽ được xây dựng cầu phục vụ việc đi lại của bà con nhân dân, tuy nhiên trong giai đoạn 2 của dự án chỉ có 2.175 cây cầu được xây dựng, tuy nhiên nhu cầu của người dân của 50 tỉnh thành lên tới 10.000 cầu nên việc đầu tư cũng như quy trình xác định vị trí xây dựng cầu dân sinh rất chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết: “Việc rà soát vị trí xây dựng cầu treo dân sinh được thực hiện theo đúng tiêu chí mà Bộ GTVT đã chỉ đạo. Cụ thể, một cây cầu được thực hiện phải có ít nhất 50 lượt người đi lại/ngày đêm, và phải đáp ứng các tiêu chí như vấn đề dân sinh vào mùa mưa lũ cô lập trên 15 ngày, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có nhiều ruộng nương, có đường kết nối với cầu ... Tất cả các tiêu chí đó được cộng lại để xác định và quyết định đầu tư một cách phù hợp, khả thi và áp dụng công bằng, công khai, công minh đối với 50 tỉnh”.
Để người dân có được cây cầu sớm nhất thuận tiện việc đi lại, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và các Ban quản lý dự án cùng với 50 tỉnh thành, nơi xây dựng cầu cùng các đơn vị khảo sát thiết kế rà soát tất cả các vị trí được đề xuất xây cầu để việc triển khai khảo sát thiết kế nhanh chóng hơn vì "điều này sẽ mang tới cho người dân những cây cầu trong thời gian nhanh nhất" Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
“Chương trình xây dựng cầu dân sinh sẽ được làm trong 5 năm nhưng với tiêu chí làm càng nhanh càng tốt để phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn cho người dân, tôi đã yêu cầu Cục Quản lý xây dựng đường bộ phải thực hiện nhanh hơn trong 3 năm phải hoàn tất 2.175 cầu như trong dự án. Bắt đầu thực hiện năm 2017 và kết thúc 2019” Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.