Việc bao cấp dịch vụ bảo trì đường thủy nội địa quốc gia chính thức chấm dứt kể từ tháng 5/2016 thông qua cơ chế đầu thầu, tạo sự cạnh tranh và tiết kiệm đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Tiết kiệm 3-5% kinh phí so với đặt hàng
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, từ tháng 5/2016 toàn bộ các tuyến ĐTNĐ quốc gia do Cục ĐTNĐ Việt Nam trực tiếp quản lý được các doanh nghiệp (DN) thực hiện bảo trì (thường xuyên) theo kết quả đấu thầu. Đây là mốc kết thúc cơ chế bao cấp trong bảo trì đường thủy, chuyển từ cơ chế đặt hàng sang cơ chế đấu thầu, đáp ứng mục tiêu quản lý hiệu quả nhất.
"Quá trình đấu thầu diễn ra công khai, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tiêu chí đặt ra. Các gói thầu đều giảm được chi phí từ 3-5% so với phương thức đặt hàng trước đây, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách Nhà nước", ông Giang nói.
Kiểm tra đèn tín hiệu đường thủy là một hạng mục trong dịch vụ
bảo trì thường xuyên tuyến luồng đường thủy
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Ban QLDA ĐTNĐ (Cục ĐTNĐ Việt Nam - đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu), đã có hơn 6.181km đường thủy được đưa ra đấu thầu bảo trì với thời hạn 8 tháng (từ tháng 5 đến hết năm 2016). Số tiền tiết kiệm được lên tới 3,9 tỷ đồng. Lý do thời hạn thầu ngắn vì đây là lần đầu tiên ngành ĐTNĐ áp dụng phương thức đấu thầu, cần có thời gian đánh giá, rút kinh nghiệm để sau đó thực hiện thầu dài hơn, khoảng 2 năm/lần, đồng thời đảm bảo các tiêu chí thầu phù hợp nhất với tính chất luồng tuyến, đặc thù của mỗi vùng miền.
Ông Hồng cho biết thêm, ngoài 15 đơn vị tham gia thầu là các DN cổ phần quản lý bảo trì trước đây trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và có kinh nghiệm vài chục năm hoạt động trong lĩnh vực bảo trì, còn có các DN mới thành lập, DN địa phương. Trong số các gói thầu rộng rãi (3 gói đấu thầu hạn chế, 22 gói rộng rãi) đều có 3-5 nhà thầu tham gia.
"Việc này tăng yếu tố cạnh tranh đáng kể giữa các nhà thầu. Thông qua đấu thầu, có đơn vị từng nhiều năm bảo trì ở địa bàn quen thuộc đã phải "nhường sân" cho nhà thầu khác", ông Hồng nói.
Cú hích để doanh nghiệp tự đổi mới
Khoảng hơn một năm trước đây, cùng với quá trình cổ phần hóa 10 đơn vị sự nghiệp bảo trì đường thủy còn lại (trong tổng số 15 đơn vị), xu hướng đấu thầu bảo trì đã được lãnh đạo các đơn vị nắm bắt, chuẩn bị. Ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 và lãnh đạo một số nhà thầu khác cho biết, sau khi các đơn vị bảo trì bước vào cơ chế đấu thầu đã phải áp dụng các phương án tổ chức bộ máy để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất, như: Thu gọn lại các phòng ban, giao cho một bộ phận chuyên làm công việc bảo trì thay vì giao cho nhiều trạm, tìm kiếm các công việc ngoài lĩnh vực bảo trì…
Liên quan đến nội dung đấu thầu, lãnh đạo một số DN cho rằng, cơ bản tiêu chí đấu thầu tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với tình hình DN hiện nay. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh ở những lần sau để tạo điều kiện tốt hơn cho DN. Chẳng hạn, không nên "bó cứng" tiêu chí tàu công tác là 33 CV, bởi trước đây các đơn vị có thể dùng phương tiện 25 CV hoặc hoặc 54CV; Cùng đó, không nên đặt tiêu chí mỗi gói thầu có một nhà xưởng cơ khí, vì một nhà xưởng có thể có năng lực lớn, đáp ứng được nhiều gói thầu. Thiết bị đo sâu cũng không nhất thiết quá hiện đại, đến mức sai số 0,5cm, vì giá trị máy lên đến hàng tỷ đồng…
"Nhà thầu không được bố trí phao tiêu, đèn, báo hiệu dự phòng. Nhưng nếu đèn, báo hiệu bị hỏng, mất do thiên tai hay tình huống bất khả kháng sẽ khó được thay thế kịp thời. Mà không đảm bảo, duy trì được chất lượng quản lý nhà thầu lại bị trách nhiệm", Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7 Vũ Cao Khải nói và cũng cho rằng, Cục ĐTNĐ Việt Nam cần khắc phục được tình trạng chậm bố trí kinh phí cho DN vốn thường xuyên diễn ra trong thời kỳ đặt hàng.
Còn theo ông Cao Văn Định, với xu hướng tách bạch chức năng công tác quản lý Nhà nước với dịch vụ công ích, trong các lần đấu thầu bảo trì đường thủy sắp tới, nên tối đa hóa các nội dung công việc mà DN có thể đảm nhận, như trực đảm bảo ATGT, nắm tình hình trên tuyến.