Xuất phát từ yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) được quy định trong Phụ ước 19 về quản lý an toàn và Doc 9859 về tài liệu quản lý qn toàn: “Nhà cung cấp dịch vụ phải xây dựng và duy trì một quy trình chính thức nhằm xác định các thay đổi có thể ảnh hưởng đến mức độ rủi ro an toàn của các sản phẩm và dịch vụ hàng không và để nhận dạng và quản lý các rủi ro an toàn có thể xuất hiện từ những thay đổi đó”.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngay từ khi thiết lập hệ thống quản lý an toàn, trong đó có việc xây dựng tài liệu hệ thống quản lý an toàn (SMSM), đã đưa nội dung Quản lý sự thay đổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty.
Và trên thực tế, trước đây để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một số cơ quan, đơn vị của Tổng công ty đã thực hiện nội dung Quản lý sự thay đổi đối với một số thay đổi, ví dụ như: Tháng 3/2013 Ban Không lưu đã tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc đóng cửa đường CHC25R tới công tác điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất; Tháng 7/2014 Công ty Quản lý bay miền Trung đã thực hiện các nội dung nhằm quản lý sự thay đổi khi thi công sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tại sân bay quốc tế Đà Nẵng; Năm 2015 Công ty Quản lý bay miền Bắc đã tiến hành đánh giá an toàn khai thác giai đoạn 3 Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ATCC HAN) trước khi đưa vào khai thác… Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất trong toàn Tổng công ty và chưa có chiều sâu vì Tổng công ty chưa xây dựng được một quy trình chính thức.
Xác định việc xây dựng một quy trình về quản lý sự thay đổi là một công việc cần thiết dù rất khó khăn, vì trong các tài liệu của ICAO chỉ đưa ra yêu cầu chung, còn cách thức thực hiện như thế nào lại do các nhà cung cấp dịch vụ tự xây dựng, Lãnh đạo Tổng công ty đã rất quyết tâm, chỉ đạo sát sao cơ quan chức năng phải xây dựng quy trình để áp dụng thống nhất trong toàn Tổng công ty theo đúng kế hoạch thực hiện Hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt đó là đến năm 2015 Tổng công ty phải thực hiện nội dung Quản lý sự thay đổi.
Cuối năm 2015, Ban An toàn – An ninh (AT-AN) đã chính thức bắt tay vào xây dựng quy trình. Nói là chính thức vì ngay từ khi mới thành lập vào năm 2013, Ban ATAN đã nhìn nhận được tính cần thiết phải xây dựng quy trình này bởi nội dung quản lý sự thay đổi là một phần của công tác quản lý an toàn chủ động, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống quản lý an toàn và việc vận hành hệ thống sẽ thực sự hiệu quả. Lãnh đạo và các chuyên viên đã chủ động tìm kiếm tài liệu trên các trang web chính thức của các tổ chức hàng không quốc tế như ICAO, CANSO, EUROCONTROL… để nghiên cứu, tranh thủ cơ hội tham gia các hội nghị chuyên môn quốc tế để trao đổi/học tập kinh nghiệm từ các nước khác. Một số phiên bản dự thảo Quy trình đã được viết bởi các chuyên viên của Ban, nhưng vì nhiều lý do Quy trình chưa được ra đời.
Đến năm 2016, với kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Tổng công ty và Cục Hàng không Singapore, sau nhiều lần chỉnh sửa Quy trình quản lý sự thay đổi đã chính thức được Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ký quyết định ban hành (Quyết định số 2226/QĐ-QLB ngày 17/6/2016).
Ngay sau khi ban hành, quy trình đã được đưa vào làm tài liệu phục vụ cho đợt đánh giá an toàn của ICAO trong chương trình thanh tra, giám sát an toàn toàn cầu (USOAP) tại Việt Nam. Theo các cán bộ trực tiếp làm việc với Đoàn thanh tra ICAO, Quy trình đã ghi được một điểm quan trọng không những cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam mà cho cả hệ thống an toàn Ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
Việc các đơn vị đã triển khai phổ biến, áp dụng ngay sau khi Quy trình được ban hành đã thể hiện được văn hóa an toàn và tính hiệu quả vận hành hệ thống quản lý an toàn đã được nâng lên một bước mới – Quản lý an toàn chủ động. Tuy bước đầu còn một số điều chưa tỏ, nhưng sau khi mọi thắc mắc đã được trao đổi, làm rõ, các đơn vị đã thống nhất được cách thức thực hiện và hy vọng quy trình sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc quản lý sự thay đổi, góp phần xây dựng Hệ thống Quản lý an toàn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngày càng vững mạnh.