Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã họp thống nhất phương án vận tải than nhập khẩu và than nội địa cung cấp nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đại diện Tổng Cục Năng lượng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ban QLDA Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, các doanh nghiệp vận tải biển và Các Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt đề nghị các đơn vị thống nhất phương án vận tải than nguyên liệu,
đảm bảo lợi ích về kinh tế kết hợp với bảo vệ an toàn, ANHH và phòng ngừa ô nhiễm môi trường
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt đánh giá: Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải mở rộng là 1 trong 4 nhà máy của Trung tâm Điện lực Duyên Hải, với tổng công suất 4.348 MW, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Dự án có ý nghĩa quan trọng với cả Trung tâm Điện lực vùng cũng như góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của tỉnh Trà Vinh mà cả khu vực kinh tế phía Nam.
Trên cơ sở báo cáo, góp ý của các đại biểu dự họp về những khó khăn, vướng mắc trong thực trạng hoạt động vận tải cung cấp nguồn than nguyên liệu cho nhà máy, để đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại khu vực bến cảng chuyên dụng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, góp phần đưa nhà máy vào hoạt động trong giai đoạn thử nghiệm và chính thức, Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt đã đề nghị các cơ quan, đơn vị cần thống nhất phương án vận tải than nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban QLDA nhà máy Duyên Hải kết hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Than Đông Bắc căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ thực tế, có nguồn dự trữ để lập kế hoạch nhận hàng hàng tháng, thông báo cho đơn vị cung cấp biết để điều phối lượng hàng vận chuyển sao cho khoa học để tránh sự ùn tắc; Hoàn thiện công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải, hoàn thiện và công bố bến cảng Nhà máy; Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải để xuất phương án sử dụng sà lan biển để vận tải than nguyên liệu.
Phó Cục trưởng yêu cầu Cảng vụ hàng hải Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh trong công tác giám sát và lập kế hoạch cho tàu thuyền vào, rời bến cảng nhà máy tránh ùn tắc và mất an toàn; thường xuyên cập nhật và công bố độ sâu luồng thực tế sau nạo vét; Nắm bắt kế hoạch và hành trình của tàu vận tải để bố trí hợp lý bến cảng trả hàng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp vận tải biển đã đồng thuận với các phương án vận tải nêu trên và thống nhất tuân thủ để đảm bảo các lợi ích về kinh tế kết hợp với bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.