VATM: Xây dựng Văn hóa an toàn

Thứ ba, 18/10/2016 08:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Văn hóa an toàn (VHAT) có được trên cơ sở xây dựng và phát triển của các thành tố tạo thành khác nhau. Các thành tố này là gốc rễ của VHAT, liên kết mật thiết, có ảnh hưởng tương hỗ qua lại với nhau trong môi trường VHAT; và ngược lại, VHAT tác động trở lại các thành tố tạo dựng lên nó, là môi trường tươi tốt giúp củng cố và tăng cường năng lực cho các thành tố tồn tại và phát triển và là mối liên kết hữu cơ của tất cả các thành tố này.

VHAT có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ có một định nghĩa cùng mô hình khác nhau ở số lượng thành tố và tên gọi của mỗi thành tố. Tuy vậy, về bản chất, các mô hình này đều nêu được các thành tố liên kết, tạo nên nội dung thống nhất về bản chất của văn hoá an toàn. Nói một cách đơn giản, VHAT là cung cách mỗi cá nhân, tập thể chúng ta đối xử với công việc, với đồng nghiệp, với xã hội.

Có 2 mô hình VHAT được nhiều tổ chức quan tâm:

(1) Mô hình VHAT được tạo dựng bởi 5 thành tố: Văn hoá Thông tin, Văn hóa hài hoà, Văn hóa học hỏi, Văn hóa phán xử , Văn hóa báo cáo.

(2) Mô hình VHAT được tạo dựng bởi 6 thành tố: Cam kết, Trách nhiệm, Môi trường, Giao tiếp và Lòng tin, Phán xử - Báo cáo - Bài học, Làm việc nhóm.

Trụ sở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

Mô hình 2 có các thành tố tạo thành tương ứng với những nội dung mà Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang nỗ lực xây dựng.

Về cam kết: cần ưu tiên cho an toàn trong hoạch định tổ chức và các hoạt động ngày qua ngày ở cả cấp độ quản lý và các cấp độ khai thác. Chúng ta đã có Chính sách an toàn, nội dung thể hiện đầy đủ cam kết của Lãnh đạo cao nhất về dành mọi nguồn lực ưu tiên cho công tác an toàn của Tổng công ty. Trong thực tế đã thể hiện rất rõ các cam kết đang được thực thi.

Về trách nhiệm: cần làm rõ yêu cầu chấp nhận trách nhiệm giải trình an toàn ở cả cấp độ cá nhân và tổ chức. Trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp đã được nêu cụ thể, rõ ràng trong Quy chế báo cáo an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), SMSM và Quy định báo cáo an toàn của Tổng công ty. Về trách nhiệm giải trình an toàn các cấp trong Tổng công ty đã có nhiều cải thiện so với thời kỳ trước khi có Hệ thống quản lý an toàn. Nội dung này cần được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đạt sự phát triển tương ứng với việc thực hiện Cam kết trong Chính sách an toàn. Nội dung phân tích, đánh giá trong hội nghị giảng bình, rút kinh nghiệm đã đầy đủ, sâu sắc nhưng cần được thể đầy đủ trong báo cáo giảng bình và thông tin an toàn. Nội dung thành tố này được thực hiện tốt sẽ giúp cho thành tố thứ 4 là Giao tiếp và Lòng tin được phát triển.

Về môi trường: cán bộ và nhân viên cùng tham gia thảo luận, thực hiện hành động khắc phục và cải tiến an toàn. Trong quản lý an toàn chủ động và tiên phong, mọi câu chuyện về an toàn đều cần được đưa ra thảo luận, bình đẳng dân chủ để tổ chức các hành động khắc phục có hiệu quả, đạt được giảm thiểu rủi ro an toàn. Đây là nội dung chúng ta phải tích cực thúc đẩy không phải do nó quan trọng nhất trong 6 yếu tố mà vì nó đang là khâu chậm phát triển nhất.

Về giao tiếp và lòng tin: việc xây dựng các kênh liên lạc ngang, dọc đạt hiệu quả và làm cho mọi người có lòng tin vào những gì đang diễn ra, tin vào đồng nghiệp và người quản lý. Thành tố này góp phần cho sự thành công của tất cả các thành tố khác nhưng có vẻ như nó lại phụ thuộc rất nhiều vào tất cả các thành tố còn lại.

Về phán xử - báo cáo - bài học: có liên quan mật thiết với nhau. Mọi người lao động được khuyến khích báo cáo những vi phạm an toàn và những mối nguy hiểm mới, không có nỗi sợ bởi trách mắng, xử phạt của các cấp lãnh đạo, quản lý hoặc chê bai của đồng nghiệp. Doanh nghiệp có thiện chí và khả năng rút ra được bài học từ những vi phạm an toàn. Việc phán xử công bằng, đúng chính sách an toàn đã công bố sẽ quyết định việc thực hiện báo cáo an toàn. Nội dung báo cáo an toàn có góc độ phân tích, đánh giá phù hợp, có lý có tình, đủ rộng, đủ sâu, công bằng trong đánh giá và kết luận sẽ có ảnh hưởng tốt đến bài học an toàn. Nguyên tắc Phán xử đã được tuyên bố rõ ràng, đầy đủ trong Quy chế báo cáo an toàn hàng không của Cục HKVN, Chính sách an toàn và Quy định báo cáo an toàn hàng không của Tổng công ty. Trong thực tế, việc thực thi đang đúng theo nội dung Chính sách. Để yếu tố phán xử trong Chính sách an toàn có tác động đến yếu tố Báo cáo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hơn nữa về Chính sách an toàn, cán bộ quản lý gương mẫu trong việc thực hiện Trách nhiệm giải trình an toàn, đồng thời cải tiến phương thức trao đổi rút kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển yếu tố thứ 4 là Giao tiếp và lòng tin.

Về làm việc nhóm: không ngừng nâng cao khả năng hợp tác, phối hợp giữa các thành viên trong một nhóm và giữa các nhóm với nhau. Trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ, bất cứ nội dung nào cũng đều cần đến sự hợp tác, phối hợp, đặc biệt là tại cơ sở điều hành bay. “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, không chỉ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả trong công tác điều hành bay, trong trao đổi, chia sẻ bài học an toàn.

Mỗi một thành tố trên đây đều có vai trò và tầm quan trọng như nhau, có tác động hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Xây dựng VHAT là phải đồng thời xây dựng cả 6 thành tố, tạo một sự cộng hưởng, giao thoa phát triển. Mọi thiên lệch giữa các thành tố, coi nặng, nhẹ khác nhau đều làm hạn chế việc hình thành và phát triển của VHAT. VHAT được hình thành và phát triển sẽ tác động tương hỗ trở lại 6 yếu tố tạo thành. Xây dựng VHAT là xây dựng động lực của sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp, là trách nhiệm của người đứng đầu và cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, như quan điểm mới của CANSO là “People Create Safety”.

VATM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)