Do ảnh hưởng mưa lớn khiến tuyến QL1, QL14G, đường Trường Sơn Đông... trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại nặng.
Chiều 2/11, Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) Trần Hưng Hà cho biết: Do ảnh hưởng mưa lớn khiến tuyến QL1, QL14G, đường Trường Sơn Đông... trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại nặng. QL1 qua Quảng Ngãi xuất hiện tình trạng sụt trượt mái taluy dương tại Km 1110+060 và Km 1115+350. Khánh Hòa có 8 vị trí sụt đất, 1 vị trí đá rơi và xói lở rãnh dọc (3m3) đoạn Km 1366 - Km1488 QL1.
Trên tuyến QL14G, đến sáng 2/11, ngành chức năng mới thông 1/2 mặt đường vị trí trượt taluy dương Km 55+700 gây ách tắc giao thông và xuất hiện thêm điểm sụt trượt tại Km34 QL14G. Hiện nay, mưa lớn, nước tiếp tục ngập cầu Sông Vàng và ngầm Km 38+040, chiều cao ngập 1,2m. Đáng kể, đường Trường Sơn Đông có 6 vị trí bị sụt trượt mái taluy dương gây ách tắc hoàn toàn. Trong đó, đoạn Km 174+200 (tỉnh Quảng Ngãi), Km 193+500, Km 195+200 (tỉnh Kon Tum), Km 102+670, Km 103+170 (tỉnh Quảng Nam), Km 192+820 (tỉnh Kon Tum)...
Ông Đỗ Huy Thành, Phó cục trưởng Cục QLĐB III cho biết: Các tuyến QL19 đoạn qua Gia Lai (Km 66-Km243), QL26 qua Khánh Hòa và Đắk Lắk, QL27C qua Khánh Hòa (Km0 - Km34) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất, cát tràn lấp mặt đường gây cản trở lưu thông. Chỉ tính riêng các tuyến đường kinh phí cần khắc phục thiệt hại sau mưa lũ gần 5 tỷ đồng.
Ghi nhận trên công trường các dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, ảnh hưởng mưa lũ khiến việc thi công bị ngưng trệ, nhiều vị trí sạt lở. Theo lãnh đạo Ban QLDA La Sơn - Túy Loan, có 2 vị trí sụt trượt cùng tuyến ĐT601 bị nước sông Cu Đê tràn qua. Đến chiều 2/11, các vị trí này đã được khắc phục.
Sạt lở tại Km 31+300 tỉnh lộ 676
* Chiều 2/11, theo báo cáo nhanh của Sở GTVT Quảng Trị, do ảnh hưởng của mưa lớn (từ 30/10 - 1/11) đã gây ngập lụt và sạt lở một số tuyến đường, thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, cầu tràn Đakrông Km 0+037 nước ngập sâu trên 1,5m; TL558A, đoạn Km 5+630 sạt lở ta luy âm, đoạn Km 5+700 sạt lở ta luy dương, ngoài ra, các vị trí sạt lở lẻ tẻ dọc tuyến này hơn 100m3; mặt đường rạn nứt, bong bật 5.000m2 từ Km2- Km 4+700. Nhiều đoạn TL580, 583 mặt đường bị rạn nứt, bong bật. TL571 bùn, đất tràn lấp các mặt cầu tràn 150m3 từ Km33- Km 38; sạt lở ta luy dương 270m3 từ Km29 - Km 36; TL575B xói lề đường nhựa gia cố 265m2 từ Km11 - Km12. Ngoài ra, mặt đường các tuyến đường nội TP Đông Hà phát sinh ổ gà khoảng 300m2...
Sở GTVT Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bố trí nhân lực, phương tiện thực hiện công tác đảm bảo giao thông, giải tỏa đất đá sạt lở, lắp đặt rào, biển báo tại vị trí sạt lở; bố trí nhân lực túc trực theo dõi diễn biến mưa lũ...
* Tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, mặc dù từ chiều tối 1/11 mưa đã ngớt, nhưng mực nước tại sông Kiến Giang vẫn tiếp tục lên cao khiến 6 xã và 1 thị trấn với khoảng 800 hộ dân bị ngập sâu trong nước lũ. Nhiều vùng của các xã như Sơn Thủy, Dương Thủy, Phong Thủy, An Thủy... đã bị nước lũ cô lập, phương tiện duy nhất để tiếp cận các xã này là bằng thuyền, bè.
Ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Hiện vẫn còn 6/10 thôn trong xã bị ngập sâu, đường liên thôn ngập từ 1-2m, thiệt hại chưa thể thống kê được.
Còn tại huyện Tuyên Hóa, một trong những vùng “rốn lũ” ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, người dân cũng đang lao đao vì lũ chồng lũ. Chị Nguyễn Thị Mận (xã Mai Hóa) bàng hoàng kể: “Trận lũ cách đây 15 ngày nước dâng ngang mái chỉ còn 2 viên ngói nữa là lút nóc. Trận này nhỏ hơn cũng đến ngang cái tran (gác xép tránh lũ - PV). Vợ chồng tôi chỉ kịp ôm 3 đứa con chèo lên nóc nhà chờ người cứu giúp”.
Thống kê sơ bộ đến ngày 2/11, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 5.000 nhà ngập trong nước lũ, đây đều là các thôn bản ở vùng trũng, cồn bãi ven sông của các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa... Lũ lụt cũng làm 3 người chết, 2 người đang mất tích trong lúc di chuyển ở vùng ngập lũ. Về giao thông đến nay vẫn còn QL9B bị chia cắt do sạt lở, 4 tuyến đường tỉnh gồm: TL559, 564B, 562, 558C chưa thông tuyến do vẫn có đoạn còn ngập sâu trong nước lũ. Nhiều vị trí bị hư hỏng trong đợt lũ trước đang khắc phục dang dở bị hư hỏng trở lại.
*Chiều 2/11, ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, hiện Sở đang tích cực chỉ đạo lực lượng thi công, công nhân sử dụng máy móc thiết bị để thông đường do sạt lở và nước cuốn trôi nền đường trên TL676. Ngoài ra, tại tuyến TL673 đi xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong của huyện Đăk Glei có 3 điểm sạt lở nặng tại Km 28+600, Km 29+600, Km 29+600 bị sụt ta luy dương phía bên phải đất tràn mặt đường với khối lượng gầm 3.000m3 gây tắc đường. Tại đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh cũng có 4 điểm sạt lở tại Km 7+200, Km 7+800, Km 9+100, Km 9+300 bị sụt ta luy dương phía bên phải đất tràn lấp mặt đường khoảng 1.500m3 đất, gây tắc đường.
“Tại các điểm giao thông bị chia cắt, chúng tôi đã cho nhân công gác trực, cắm biển cảnh báo đề phòng người dân tự ý vượt qua khu vực nguy hiểm” ông Phục nói.
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, tính tới ngày 2/11, mưa lũ gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung đã khiến hơn 20.500 nhà bị ngập và hư hại; 200 ha hoa màu bị ngập, hư hại, 280 con gia súc và 3.000 con gia cầm bị cuốn trôi, hàng loạt tuyến giao thông tại Quảng Bình vẫn bị ngập sâu.Trong khi đó, cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên hôm nay và ngày mai (4/11) ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định 100 - 300mm, có nơi trên 300mm.