Ngày 11/11, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đáng lưu ý, Dự thảo luật lần này có nhiều quy định thông thoáng, tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế rộng cửa đầu tư kinh doanh lĩnh vực đường sắt.
Tàu qua cầu Thừa Lưu, Thừa Thiên - Huế
Cơ chế thông thoáng, nhiều ưu đãi
Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, một trong các mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Đường sắt 2005 là phát triển GTVT đường sắt theo cơ chế thị trường. “Luật Đường sắt sửa đổi sẽ tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn, khi được thông qua, Luật sửa đổi sẽ tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đường sắt”, ông Khôi nói.
Để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, theo dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất hoặc giảm tiền thuê đất; vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất… tùy theo mục đích đầu tư, khai thác. |
Cũng theo ông Khôi, vấn đề ưu đãi phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và các lĩnh vực khác tuy có quy định tại các Luật về đất đai, đầu tư, thuế… và các văn bản pháp luật liên quan, nhưng nội dung ưu đãi, hỗ trợ rất ít. Do đó, thời gian qua, đường sắt chưa thật sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư tư nhân. “Luật Đường sắt 2005 chưa quy định việc đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại hỗn hợp tại các nhà ga như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đã làm. Điều này dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư”, ông Khôi giải thích thêm.
Về vấn đề này, ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt ITL (Tập đoàn ITL) chia sẻ, đơn vị đã tham gia đầu tư xây dựng Trung tâm logistics đường sắt ga Yên Viên. Giai đoạn 1 đã đi vào khai thác từ 15/9/2016. Tuy nhiên, thời gian qua, ITL và Tổng công ty Đường sắt VN gặp rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thiện thủ tục. “Ngoài việc phải tuân thủ các quy định của ngành Đường sắt, các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các luật, văn bản pháp luật khác rất thiếu, thậm chí vênh nhau nên vừa làm vừa gỡ”, ông Liên phân tích.
Tàu qua Quảng Bình
“Mở cửa” cho tư nhân đầu tư
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ xác định rõ hơn các chủ thể trong quản lý kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt, cùng đó sẽ tách bạch rõ hơn chức năng quản lý nhà nước về KCHT đường sắt với kinh doanh KCHT. Việc này sẽ tạo cơ hội, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN, thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh đường sắt.
“Nhà nước quản lý hạ tầng tuyến nào, sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, bảo trì hàng năm tuyến đó. Các DN kinh doanh vận tải trên tuyến phải trả tiền thuê hạ tầng theo cơ chế giá. Nhà nước cũng có thể cho thuê, nhượng quyền khai thác tuyến trong một thời gian nhất định; DN được nhượng quyền chịu trách nhiệm đầu tư, bảo trì hạ tầng”, Thứ trưởng Đông nêu ví dụ.
Lý giải thêm, ông Vũ Quang Khôi cho rằng, tư nhân có thể tham gia đầu tư, kinh doanh ở hầu hết tất cả lĩnh vực đường sắt. Về hạ tầng, có thể đầu tư rồi chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê hoặc trực tiếp tổ chức kinh doanh vận tải, các công trình liên quan đến tổ chức chạy tàu. Đối với các công trình không liên quan đến tổ chức chạy tàu như: Bãi hàng, kho…, DN tư nhân có thể đầu tư, cho thuê hoặc trực tiếp kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải hay kinh doanh thương mại khác. Còn về vận tải, tư nhân cũng có thể đầu tư hoặc hợp tác đầu tư phương tiện (đầu máy, toa xe…) để tổ chức kinh doanh vận tải hay các dịch vụ hỗ trợ vận tải.
“Kể cả lĩnh vực công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đường sắt, tư nhân cũng rộng mở cơ hội”, ông Khôi nói.
Rất hào hứng với những lĩnh vực này, ông Bùi Quang Liên cho rằng, các ưu đãi theo Dự thảo Luật chắc chắn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư. “Thực ra, cái nhà đầu tư cần nhất chính là chính sách, không phải lợi thế thương mại. Vì lợi thế thương mại hôm nay tạo được, ngày mai cũng có thể mất đi, không lâu bền trong khi đầu tư đường sắt tốn kém, thu hồi vốn chậm. Nhà đầu tư cần chính sách thông thoáng, rõ ràng, ổn định để an tâm khi bỏ tiền đầu tư và xác định rõ được khi nào có thể thu hồi vốn”, ông Liên nhấn mạnh và thông tin thêm, Tập đoàn ITL đang xúc tiến lập dự án đầu tư trung tâm logistics tại một số nhà ga nữa.
Còn ông Bùi Nguyên Ninh, Giám đốc điều hành Công ty CP Bê tông Bảo Quân Vĩnh Phúc - DN vừa mới đầu tư, khai trương tuyến đường sắt nhánh nối đường sắt quốc gia từ ga Hương Canh vào nhà máy bê tông của mình để vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm đầu ra - cũng hồ hởi: “Nếu Luật Đường sắt (sửa đổi) có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế rõ ràng như vậy, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư”. Tuy nhiên, theo ông Ninh, Nhà nước nên hỗ trợ cho DN đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian hợp lý để có thời gian thu hồi vốn.