Sau hơn một năm thực hiện tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đến năm 2020 theo đề án được Bộ GTVT phê duyệt, vận tải đường thủy có sự tăng trưởng rất nhanh về đội tàu và sản lượng vận tải hàng hóa. Phương châm đổi mới “nói đi đôi với làm” của ngành ĐTNĐ đã phát huy tác dụng và được minh chứng bằng thực tiễn.
Sản lượng vận tải tăng mạnh
Thông tin từ Cục ĐTNĐ Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng năm 2016, đường thủy đã vận chuyển được 123,97 triệu lượt khách, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển 160,25 triệu tấn hàng hóa, tăng 6,2%. Sự tăng trưởng còn thể hiện qua việc chuyển dịch từ đội tàu trên dưới 500 tấn trước kia lên trọng tải 1.000 - 3.000 tấn như hiện nay. Điển hình là tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển (tàu SB). Nếu như giữa năm 2015 mới có gần 300 phương tiện và Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt hơn 1.000 phương tiện, nhưng đến nay đã có 964 tàu đang hoạt động, trong khi hàng trăm phương tiện khác đã được phê duyệt thiết kế để đóng mới. Sản lượng vận tải hàng hóa trên tuyến này 10 tháng năm 2016 đạt hơn 11,2 triệu tấn, tăng tới 236% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự tăng trưởng này là cơ chế chính sách, thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy đã và đang được mở tối đa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân. Hầu hết các thủ tục liên quan đến phương tiện, thuyền viên đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua mạng. Đáng lưu ý là trong tháng 11.2016, 100% thủ tục liên quan đến lĩnh vực này được thực hiện trên mạng. Quy trình kiểm tra của Cảng vụ đối với phương tiện, thuyền viên được đơn giản tối đa, việc cấp phép cho tàu vào, rời cảng bến được thí điểm bằng tin nhắn điện thoại. Điều này nhận được sự đồng thuận lớn của DN, bởi trực tiếp giúp DN giảm chi phí, thời gian đi lại làm thủ tục cảng vụ và ngăn ngừa phiền hà, sách nhiễu. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, sau hơn hai tháng thí điểm đã cấp phép ra, vào bến qua tin nhắn cho hơn 4.000 lượt phương tiện.
Năm 2020, vận tải thủy chiếm 17,72% toàn ngành GTVT
Theo quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT, đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hàng hóa của ĐTNĐ là 17,72%, vận tải hành khách là 4,1% khối lượng vận tải của toàn ngành GTVT. Tốc độ tăng trưởng khối lượng vận tải bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 11,20%/năm về hàng hóa và 2,5%/năm về hành khách. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận vận tải hàng hóa của ĐTNĐ là 15,48%, vận tải hành khách là 1,9% khối lượng vận tải của toàn ngành GTVT. Tốc độ tăng trưởng khối lượng vận tải bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 5,20%/năm về hàng hóa và 1,41%/năm về hành khách.
Để đạt được các mục tiêu này, Cục ĐTNĐ cho biết, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu giao thông ĐTNĐ để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội trong đầu tư và khai thác đội tàu thủy nội địa. Tăng cường hoạt động quản lý chuyên ngành, hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng của phương tiện và dịch vụ vận tải, bao gồm các giải pháp đáp ứng yêu cầu giao thông tiếp cận. Tăng cường vai trò của vận tải ĐTNĐ trên các hành lang vận tải chính kết nối với cảng biển tại các vùng kinh tế trọng điểm để nâng cao hiệu quả khai thác, đẩy mạnh vận tải đa phương thức và giảm chi phí dịch vụ logistics. Việc rà soát các chính sách cho vận tải thủy nói chung cũng như xây dựng khung chính sách mới để phát triển hình thức taxi thủy, buýt thủy góp phần phát triển giao thông công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng được chú trọng và nhân rộng những mô hình hoạt động thí điểm đạt hiệu quả.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước mắt, ngành vận tải thủy đang khẩn trương sửa đổi quy định về điều kiện lái phương tiện của thuyền viên, trong đó cho phép thuyền trưởng hạng II được điều khiển tàu có trọng tải đến 800 tấn (tương đương với thuyền trưởng hạng I hiện nay). Đồng thời, ngành sẽ gỡ nút thắt trong công tác quản lý đội tàu, điển hình là hoàn thành sửa đổi quy định về năng lực đón tàu của cảng thủy, giải quyết bất cập “cảng to không được đón tàu to”. Bất cập trên xuất phát từ việc công bố năng lực cảng dựa vào trọng tải tàu và phụ thuộc vào cấp luồng chạy tàu, cho dù cảng có khả năng tận dụng thủy triều để đón tàu theo đúng năng lực của cảng. Hy vọng với nỗ lực gỡ bỏ các rào cản trong thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu để bảo đảm hiệu quả trong đầu tư và khai thác đội tàu, ngành đường thủy nội địa sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng đã đề ra.