Trong thời gian qua, đã có nhiều dự án giao thông được đầu tư, dần hình thành bộ khung kết nối liên Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, riêng hệ thống đường bộ cao tốc đã có 91km đường được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường bộ vẫn còn là một điểm nghẽn và rào cản chủ yếu trong vấn đề kết nối của vùng.
Một đoạn trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Thiếu đường cao tốc
Trong những năm qua, các tuyến trục giao thông chính yếu kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, việc hoàn thành đầu tư vào các tuyến quốc lộ cũng đã tạo dần bộ khung hạ tầng đường bộ chất lượng cao.
Hiện nay, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55km (đoạn chính dài 51km) bắt đầu từ nút giao An Phú, quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) nối Quốc lộ 51 và kết thúc tại Quốc lộ 1A tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai), chính thức thông xe toàn tuyến từ tháng 2/2015.
Tuyến cao tốc đã rút ngắn khoảng cách và thời gian từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các vùng lân cận như đi Long Thành (Đồng Nai) chỉ còn 22km với 20 phút (đi đường cũ dài 45km, thời gian mất 1 giờ), đi Vũng Tàu chỉ còn 95km với khoảng 1 giờ 20 phút (đường cũ 120km, thời gian hơn 2,5 giờ), đi ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) chỉ còn 20km với khoảng 1 giờ (đường cũ 70km thời gian đi 3 giờ).
Từ đầu năm 2016 đến nay tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ hơn 12 triệu lượt xe, lưu lương phương tiện đạt 37.000 - 40.000 lượt xe/ngày, cao điểm lên tới 64.000 lượt xe/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc cho biết, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương được đưa vào khai thác từ tháng 2/2012, là tuyến đường bộ quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến có chiều dài gần 40 km đi qua 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, đáp ứng vận chuyển khoảng 50.000 lượt ôtô qua lại mỗi ngày, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi tiền Giang và ngược lại chỉ còn 30 phút thay vì 90 phút như trước đây.
Một tuyến cao tốc khác đang được đầu tư là Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hiện này Bộ Giao thông vận tải xác định được nguồn vốn đầu tư đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai), đang kêu gọi đầu tư cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ, Dầu Giây -Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dầu Giây - Liên Khương.
Gấp rút hoàn thiện hạ tầng đường bộ
Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định về giao thông khu vực, đến năm 2020 hoàn thành khoảng 580km đường cao tốc.
Bên cạnh đó, ngày 1/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 326/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo Quyết định này, khu vực phía Nam có 7 tuyến cao tốc; trong đó Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 4 tuyến gồm Biên Hòa (Đồng Nai)-Phú Mỹ (Vũng Tàu) dài 76km, Dầu Giây (Đồng Nai)-Liên Khương-Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 208 km, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước) dài 69km, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh) dài 55km.
Hệ thống vành đai cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh gồm có Vành đai 3 dài 89km (Nhơn Trạch, Đồng Nai-Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), Vành đai 4 dài 198km (Phú Mỹ, Vũng Tàu-cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã và đang đầu tư các tuyến đường bộ kết nối cùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đồng bằng sông Cửu Long thông qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (đã hoàn thành), cao tốc Bến Lức-Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2017).
Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2016-2020 hơn 313.000 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã phê duyệt dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1 dài 17,7 km. Đoạn đường này thuộc đoạn đầu tiên của tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (dài 82,5km).
Tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng 20km từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch (Đồng Nai), tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển ở Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây cầu Cát Lái (dài khoảng 4 km, tổng mức đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng) nối Thành phố Hồ Chí Minh (quận 2) với Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch) để thay thế bến phà hiện hữu, giúp giao thông đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Vũng Tàu thuận tiện hơn.
Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) từ Suối Tiên (quận 9) đến Dĩ An (Bình Dương) và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tuyến metro số 1 kéo dài đến khu vực ngã tư Vũng Tàu sẽ giúp kết nối giao thông đến toàn khu vực Đồng Nai-Bình Dương-Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, giao thông kết nối phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài trục đường Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 trong tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt đô thị với sức vận chuyển hành khách lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. /.