Ngày 09/01/2017, Hội thảo với nội dung “Thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Công thương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Vương Đình Huệ.
Với vai trò là một Tổng công ty của Việt Nam có cơ sở hạ tầng, vận hành và cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất, các doanh nghiệp của Vinalines đã tham dự và có nhiều tham luận tại Hội thảo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị
Hoạt động logistics bao gồm cơ sở hạ tầng (cảng, bến bãi, đường bộ, đường sắt); vận hành (kho bãi, trung tâm phân phối, xe tải, tàu thuyền); dịch vụ (giao nhận hàng hóa, bốc xếp, hải quan). Mục tiêu của những hoạt động này là vận chuyển hàng hóa từ điểm khởi đầu đến điểm tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Trung tâm Môi giới vận tải và Logistics Vinalines trình bày tham luận tại Hội thảo
Vai trò của hệ thống logistics và quản trị chuỗi cung ứng ngày càng được coi trọng trong các hoạt động của kinh tế Việt Nam, nhất là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trung tâm logistics là một thành tố cốt lõi của hệ thống logistics và đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả các hoạt động logistics. Vì có tính chất hệ thống và liên đới nên việc thu hút đầu tư, kinh doanh lĩnh vực logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long cần được đánh giá sâu về tình hình thực trạng và định hướng phát triển hệ thống logistics địa bàn trên cả nước với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung vào thực trạng phát triển hệ thống logistics trên địa bàn cả nước và vùng ĐBSCL, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng, trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Qua đánh giá, tuy đa dạng nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ logistics của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 35 bậc trong 5 năm qua (2011 – 2015). Tuy nhiên, còn một số hạn chế như đầu tư kết nối các phương thức vận tải còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ đảm nhận của các phương thức chưa cân đối, vận tải đường bộ vẫn là chủ yếu, chi phí đầu tư cao… đặc biệt là sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tạo nền tảng và hỗ trợ cho phát triển liên kết vùng kinh tế còn nhiều bất cập, cả trong nhận thức, quy hoạch và đầu tư trên thực tế…
Tại vùng ĐBSCL, hiện trạng hệ thống giao thông thủy, bộ, hàng không trên địa bàn có mật độ dày, phát triển đều khắp, tuy nhiên chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ trong toàn bộ hệ thống; thiếu kết nối giữa Vùng với thị trường xuất khẩu qua hệ thống luồng hàng hải, cảng biển; thiếu kết nối với miền Đông Nam Bộ gồm nhiều cảng cửa ngõ quốc tế, thị trường tiêu thụ lớn; khả năng kết nối vận tải nội vùng cũng còn nhiều hạn chế … thiếu trung tâm logistics tập trung, thiếu nguồn nhân lực và sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng và cung ứng chuỗi dịch vụ logistics.
Trên địa bàn cả nước hiện có 6 trung tâm logistics đang hoạt động, trong đó 3/6 trung tâm đặt tại Bình Dương. Các tỉnh, TP. Quảng Ninh, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh mỗi địa phương có 1 trung tâm logistics. Các trung tâm đều được thành lập trong vòng 5 năm trở lại đây. Có thể thấy, số lượng các trung tâm logistics được đầu tư, thành lập tăng dần. Vùng Đông Nam Bộ với hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động và vị trí đắc địa, nhiều cảng biển, thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics. Tại ĐBSCL, vẫn chưa có một trung tâm logistics được công nhận nằm trong quy hoạch mặc dù là một trong nhưng vùng có các hoạt động suất kinh doanh sôi động, có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Theo định hướng phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ phát triển 02 trung tâm logistics với quy mô hạng II. Trong đó, một trung tâm tại tiểu vùng kinh tế các tỉnh Tây Nam TP. Hồ Chí Minh có quy mô tối thiểu 20 ha (vào năm 2020), 50 ha (vào năm 2030); một trung tâm thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL có quy mô tối thiểu 30 ha (năm 2020) và 70 ha (năm 2030).
Với chiến lược kinh doanh cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng của Vinalines trên thị trường nội địa cũng như quốc tế trên cơ sở lợi thế của Vinalines hiện có để hội nhập, cạnh tranh, và phát triển, Vinalines đã có bài tham luận về nâng cao năng lực vận tải thủy, kinh doanh logistics và cảng biển của Vinalines tại khu vực ĐBSCL đến 2020 và định hướng đến 2030. Từ những lợi thế về kinh nghiệm quản lý, khai thác vận tải biển, vận tải sông và vận tải pha sông biển, vận tải logistics cùng với các cơ sở vật chất như cầu cảng, đội tàu hiện có, Vinalines hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành đầu mối vận tải chính cho khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chứng kiến
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Vinalines và Tập đoàn quốc tế Năm Sao
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, vận tải, cảng biển đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác, đầu tư phát triển hệ thông hạ tầng và dịch vụ logistics tại khu vực ĐBSCL. Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Lê Quang Trung – Giám đốc Trung tâm Môi giới vận tải và Logistics đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Vinalines và Tập đoàn quốc tế Năm Sao về hợp tác xây dựng và khai thác cảng biển, trung tâm phân phối hàng hóa trên khu vực nhà máy sản xuất phân bón tại Phnompenh (Campuchia), nghiên cứu xây dựng, khai thác kho ngoại quan tại khu vực nhà máy sản xuất phân bón tại Long An, ICD tại Nam Định.