Ngay từ những ngày đầu năm mới Ðinh Dậu - 2017, không khí làm việc trên công trường hầm đường bộ đèo Cù Mông (HÐB ÐCM) - một trong những công trình trọng điểm quốc gia - vẫn diễn ra sôi nổi, khẩn trương. Các nhà thầu thi công đang chạy đua với thời gian trong quyết tâm thông hầm vào đầu năm 2018.
Đến công trường HĐB ĐCM trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, những ngày đầu năm mới, chúng tôi thật ấn tượng trước không khí ra quân thi công sôi động, nhộn nhịp. Phía bên trong đường hầm, tiếng máy khoan, máy hút khí, máy trộn bê tông, máy xúc... hòa lẫn vào nhau tạo ra những âm thanh náo nhiệt. Công nhân trên công trường, mỗi người một nhiệm vụ, cần mẫn và tận tụy với công việc. Dường như mọi người đều bảo nhau không để không khí Tết ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Thi công khoan hầm.
Kỹ sư Cao Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án HĐB ĐCM, cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay, các hạng mục đường thi công nội bộ, nhà quản lý và 2 gói thầu cửa hầm thuộc tiểu dự án này đã hoàn thiện. Từ tháng 5/2016, các nhà thầu bắt đầu đào hầm xuyên núi với 2 ống hầm song song và cùng lúc từ 2 đầu phía Bắc và phía Nam. Công tác đào hầm do Tập đoàn Hải Thạch và một số đơn vị trong liên doanh đảm nhận với 4 mũi thi công. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của các nhà thầu, tiến độ đào hầm đến nay đã đạt kết quả khả quan. Ở đầu cửa hầm phía Bắc thuộc phường Bùi Thị Xuân, đơn vị thi công đã đào được trên 1.200 m chiều sâu của cả 2 ống hầm. Tính cả 2 đầu Nam – Bắc, tổng chiều dài đào được 2.600 m, tương đương 40% khối lượng công việc. Trung bình mỗi tháng, tiến độ đào đạt từ 100 - 120 m/ống hầm. Với tốc độ đào như hiện nay, dự kiến HĐB ĐCM sẽ chính thức thông hầm vào đầu năm 2018.
Kỹ sư Nguyễn Đức Toản, Giám đốc Liên doanh tư vấn giám sát dự án HĐB ĐCM, cho hay: Ngay khi đào những mét hầm đầu tiên đã gặp khó khăn bởi tầng địa chất khoảng 100 m đầu bị phong hóa nặng, khi đào rất dễ bị sụp đổ, tốc độ đào rất chậm; nên vừa đào vừa phải thực hiện các biện pháp chống đỡ để đảm bảo an toàn. Tháng đầu tiên chỉ đào được 16 m, tháng thứ hai được 27 m. Còn tại cửa hầm phía Nam, việc đào hầm càng vất vả hơn vì khu vực này có một số dòng suối cạn làm rửa trôi mạnh; để đảm bảo an toàn công trình phải khảo sát, chỉnh sửa kỹ thuật thi công sát với thực tế từng mét hầm và bơm vữa gia cố mới đào được.
Để bù vào thời gian đã mất do xử lý tầng địa chất, chủ đầu tư công trình tổ chức thi công 24/24 giờ mỗi ngày. Tập đoàn Hải Thạch huy động hơn 300 cán bộ, công nhân cùng nhiều thiết bị cơ giới phục vụ thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Hầu hết cán bộ quản lý, kỹ sư giám sát, thi công... tại HĐB ĐCM đều là người Việt Nam. Các nhà thầu thi công chính của dự án gồm: Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Xây dựng và nhân lực Việt Nam. Đơn vị tư vấn giám sát liên doanh Công ty Apave quốc tế, Công ty TNHH Apave châu Á - Thái Bình Dương và Công ty CP Tư vấn xây dựng A2Z. Đây là những đơn vị quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình HĐB ĐCM.
Là nhà thầu chính thực hiện hạng mục khoan hầm, Tập đoàn Hải Thạch đã trang bị mới hoàn toàn 3 bộ máy khoan và 3 giàn phun, quạt gió, hệ thống điện với kinh phí đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Ông Đỗ Văn Linh, Phó Giám đốc Ban điều hành HĐB ĐCM thuộc Tập đoàn Hải Thạch, cho biết: “Ngoài máy móc hiện đại, tập đoàn còn thu hút được nhiều kỹ sư có năng lực, kinh nghiệm trong thi công hầm từ các đơn vị đã từng làm hầm Hải Vân và các hầm thủy điện. Hiện giai đoạn thi công khó khăn nhất đã qua, việc khoan hầm đã vào guồng, tốc độ khoan được đẩy nhanh hơn. Với đà này, Tập đoàn Hải Thạch đảm bảo sẽ hoàn thành vượt tiến độ khoan hầm”.
Những ngày đầu năm Đinh Dậu - 2017, trên công trường HĐB ĐCM, các đơn vị thi công vẫn miệt mài khoan từng mét hầm. Tất cả mọi người ở đây không nghỉ Tết và vẫn cần cù với công việc. Tiếng máy vẫn âm vang trong lòng núi và những người thợ thi công hầm đã thức cùng công trình. Tất cả đều vì tiến độ, chất lượng của một công trình trọng điểm quốc gia.
Tiểu dự án HÐB ÐCM là một hạng mục của Dự án HÐB qua đèo Cả do Công ty CP Ðầu tư Ðèo Cả thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý 3/2015 đến quý 1/2019. HÐB ÐCM triển khai trên địa bàn 2 tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên; điểm đầu tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh), điểm cuối tại xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Toàn tuyến dài hơn 6,6 km, gồm hầm Cù Mông dài 2,6 km (có hai ống hầm song song), đường dẫn tuyến chính phía Bắc dài 2 km, đường dẫn và cầu tuyến chính phía Nam dài hơn 2 km. Trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thành một ống hầm cao 8 m, rộng 9,75 m bảo đảm cho 2 làn xe lưu thông và 1 ống hầm phục vụ tránh nạn.