Chiều 16/2, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố vừa nghe phía tư vấn Nhật Bản báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển cảng Liên Chiểu.
Với việc đầu tư cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa sẽ dần được chuyển đổi công năng
sang phục vụ du lịch và đón các tàu khách lớn cập cảng
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản, giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) sẽ xây 1 bến hàng tổng hợp, 1 bến container (hoàn thành năm 2022).
Báo cáo cũng cho hay, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container. Cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn.
Về nguồn lực đầu tư, giai đoạn 1 sẽ triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với tổng mức đầu tư 5.581 tỷ đồng (Nhà nước 2.792 tỷ đồng, tư nhân 2.788 tỷ đồng). Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA do Chính phủ Việt Nam đứng ra vay, TP Đà Nẵng sẽ vay lại. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.
Tại cuộc họp với tư vấn Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tái khẳng định việc đầu tư đồng bộ ga đường sắt mới tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018 và cảng Liên Chiểu sẽ kết nối thông thương đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.
Ông Thơ nhấn mạnh: Thành phố phải gấp rút đầu tư, đến năm 2022 phải có cảng Liên Chiểu để có thể tiếp nhận lượng hàng hóa gia tăng từ cảng Tiên Sa. Sau năm 2022, trên tuyến đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) sẽ không còn tình trạng xe tải, xe container nối đuôi nhau ra vào cảng để đảm bảo môi trường du lịch của thành phố.