Việc mở rộng nút giao Pháp Vân - Giải Phóng sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ ra vào trung tâm ở phía Nam Hà Nội.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội các phương án cải tạo và mở rộng nút giao Pháp Vân - Giải Phóng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại đây. UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT cũng đã thống nhất 2 nhóm giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao này.
Nút giao Pháp Vân- Giải Phóng sẽ được cải tạo, mở rộng hơn
Mở rộng “yết hầu” phía Nam
Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng hiện được xem là “yết hầu” ở cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô với lưu lượng phương tiện rất lớn. Tuy nhiên, những tuyến đường kết nối như Vành đai 3 trên cao, cao tốc Pháp Vân, cầu Thanh Trì… còn dở dang khiến ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra tại đây.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận: “Hiện nay, tại tất cả hướng ra vào đường cao tốc khu vực nút giao Pháp Vân, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Đây là nút giao kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Các nhánh khu vực của nút giao không đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế”.
Trước thực trạng đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội 2 nhóm giải pháp cải tạo khu vực nút giao Pháp Vân gồm: cải tạo nút giao và phân luồng từ xa. Để nâng cao khả năng lưu thông qua khu vực giao cắt Vành đai 3 - Pháp Vân, Tổng cục Đường bộ đề xuất bổ sung thêm 1 nhánh rẽ từ nút giao này, đi thấp dưới cầu cạn Vành đai 3 ra QL1 (khu vực đường Giải Phóng).
Khu vực đảo xoay tại nút giao hiện khá nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông nên cũng cần mở thêm 1 điểm quay đầu để chia nhỏ dòng phương tiện lưu thông theo hướng rẽ trái trực tiếp vào nút giao (hướng Pháp Vân đi Giải Phóng).
Ở chiều ngược lại, hướng Giải Phóng đi Pháp Vân, bổ sung thêm 2 nhánh rẽ vào cao tốc bên cạnh nhánh chính hiện tại để phân bổ áp lực giao thông. Trong đó, có nhánh rẽ từ đầu phố Trần Thủ Độ, đi song song bên dưới đường dẫn từ cầu cạn Vành đai 3 vào cao tốc.
Các chuyên gia cho rằng, hiện có 2 phương án, làm chếch về bên phải đường dẫn thì nhánh rẽ sẽ rộng hơn nhưng phải giải phóng mặt bằng, tốn kém và mất thời gian. Nếu mở chếch về bên phải đường dẫn, nhánh rẽ sẽ hơi hẹp nhưng nhanh và ít tốn kém hơn.
Cần khoảng 2.800 tỷ đồng
TS Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) cho rằng, thực tế quỹ đường kết nối hiện có đã quá tải, cần thiết phải mở thêm các hướng kết nối mới để tiếp cận nút giao Pháp Vân - Vành đai 3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất xây dựng 3 tuyến đường mới. Trong đó, quan trọng nhất là tuyến nối từ nút giao đi thấp ra Vành đai 2,5, đoạn Tân Mai (Hoàng Mai) có chiều dài 1,7km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.955 tỷ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng có thể lên tới 1.075,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, tuyến đường nối từ khu tái định cư Đồng Tàu ra QL1 (đoạn giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ) và tuyến nhập thẳng vào cao tốc Pháp Vân, vị trí sau cầu Văn Điển, cũng được đưa vào danh mục đầu tư với số vốn khoảng 448 tỷ đồng. Đây là 3 tuyến kết nối chiến lược có ý nghĩa quan trọng với cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đặc biệt là tuyến kết nối với Vành đai 2,5 đã được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư, xây dựng.
Ngoài việc cải tạo, mở rộng nút giao Pháp Vân - Giải Phóng vừa được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất, Hà Nội cũng đang tính toán đầu tư xây dựng đường kết nối từ Vành đai 3 trên cao, đi qua hồ Linh Đàm kết nối với đường Nguyễn Hữu Thọ. Hiện nay, phương án đầu tư đã được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội trình thành phố. Lãnh đạo Ban này cho biết, nếu thành phố phê duyệt chủ trương thì dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai để khớp nối với dự án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tại văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đầu tư, cải tạo nâng cấp và tổ chức quản lý, vận hành, khai thác nút giao thông Pháp Vân - Vành đai 3 để đồng bộ và phát huy hiệu quả Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT hiện đang triển khai thực hiện. Phần cải tạo này có tổng mức đầu tư hơn 423 tỷ đồng sẽ sử dụng vốn dư của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ như đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đối với Dự án xây dựng tuyến kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp ra đường Vành đai 2,5 đoạn Tân Mai, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, để đảm bảo phương án phân luồng từ xa, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo ưu tiên sớm đầu tư dự án. Quá trình thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ đối ứng kinh phí và tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng dự án. Phần kinh phí thực hiện dự án này vào khoảng 2.400 tỷ đồng.