Tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.

Thứ hai, 03/04/2017 12:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 31/3, Bộ GTVT có Công văn số 3335/BGTVT-VT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các Sở GTVT về việc tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công điện số 427/CĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 về việc tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam; theo thông báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO): Từ cuối tháng 3 năm 2013 đến ngày 20 tháng 3 năm 2017 đã có 1.342 người Trung Quốc bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có 494 ca tử vong. Đặc biệt trong gần 3 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 533 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó các tỉnh có chung biên giới với nước ta là Quảng Tây có 17 người bị nhiễm cúm A/H7N9, do tiếp xúc với gia cầm sống bán tại chợ và tỉnh Vân Nam có 2 người mắc bệnh. Đồng thời, Trung Quốc đã phát hiện trên 2.000 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H7N9 trên gà, vịt, bồ câu, vẹt, ở môi trường tại các chợ gia cầm và một số trường hợp ở trại gia cầm nuôi thương phẩm, gia cầm giống.

Nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác (A/H5N2, A/H5N8) từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta qua biên giới thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ loại gia cầm, sản phẩm gia cầm trên là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân hai nước, đặc biệt cư dân biên giới cũng có thể đưa vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước như đã từng xảy ra đối với Malaysia và Canada.

(Ảnh minh họa)

Để thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm, Bộ Giao thông vận tải nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. 

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các tuyến giao thông, các đầu mối giao thông, bến xe, bến tàu, nhà ga, cảng hàng không, kiên quyết ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế, đặc biệt là trên các phương tiện vận tải hành khách; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch của ngành Y tế, Công an, Thú y, Quản lý thị trường, Hải quan để kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách, đặc biệt là trên các tuyến vận tải đi đến vùng có dịch.

Tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các đơn vị, tổ chức, cá nhân các quy định về vận chuyển thực hiện phòng chống dịch; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện công tác tiêu độc khử trùng và vệ sinh trong quá trình vận chuyển theo đúng quy định.

Kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung./.

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)