Ngày 13/4, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về công tác quản lý phương tiện thủy nội địa chở người hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT đường thủy được các đại biểu đánh giá cao
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm chủ trì; tham dự Hội nghị còn có đại diện Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục ĐTNĐ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định, Ban ATGT, Sở GTVT, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, UBND TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Cảng vụ HH Quy Nhơn, Chi cục Đăng kiểm số 4, UBND các phường, xã có bến thủy nội địa, chủ phương tiện thủy nội địa chở người.
Theo báo cáo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với tàu chở người, tàu khách trên địa bàn tỉnh Bình Định: Đến nay tổng số phương tiện chở người, chở khách trong tỉnh là 162 phương tiện; trong đó số phương tiện đã đăng ký và đã có đăng kiểm là 88 phương tiện, số còn lại là hết hạn đăng kiểm hoặc không đăng ký, đăng kiểm. Đối với phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật các chủ tàu đều có ý thức chấp hành các qui định, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện khá tốt.
Số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hầu hết là các phương tiện tàu vỏ gỗ mẫu dân gian Bình Định được chủ tàu tự đóng, mua trôi nổi hoặc chuyển từ tàu cá, một số tàu vỏ composit (FRP), vỏ nhôm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các phương tiện này vận chuyển người, chở khách kể cả khách du lịch; thân vỏ, máy móc chưa thể xác định được chất lượng và chưa quan tâm đến duy tu, bảo dưỡng phương tiện; trang thiết bị không đủ theo qui định như trang bị chữa cháy, cứu đắm, thông tin liên lạc, âm tín hiệu...
Thực hiện nghiêm các văn bản pháp qui của nhà nước và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường các giải pháp đảm bảo TTATGT thông đường thuỷ nội địa, thời gian qua Chi cục Đăng kiểm số 4 đã tổ chức thực hiện, triển khai công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và thực hiện công tác thanh kiểm tra liên ngành với các cơ quan chức năng địa phương về TTATGT trên toàn tỉnh Bình Định. Thông qua công tác này đã phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đến các chủ tàu và người dân; đồng thời hướng dẫn việc trang bị, duy tu, duy trì trạng thái kỹ thuật của phương tiện luôn đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu của Qui chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Với những nỗ lực của các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra kiểm soát địa phương cũng như của Chi cục Đăng kiểm số 4, công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi có nhiều phương tiện chở người, chở khách, kể cả chở khách du lịch đang hoạt động khi đã hết hạn đăng kiểm, hoặc không đăng ký đăng kiểm.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hữu Thiện – Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện, giảm chi phí trong thủ tục lập hồ sơ thiết kế, Chi cục đã bỏ kinh phí thiết lập các bộ thiết kế mẫu áp dụng cho các phương tiện vỏ gỗ đóng theo kinh nghiệm dân gian tại Bình Định đồng thời tiếp cận, giải thích đến nhiều chủ tàu ở địa phương về công tác Đăng kiểm nhưng chưa được các chủ tàu hợp tác.
Nhằm mục đích đưa các phương tiện vào quản lý và hoạt động theo qui định của pháp luật đồng thời tạo điều kiện về kinh phí để các chủ tàu đưa phương tiện vào đăng ký đăng kiểm, các ý kiến phát biểu của đại diện sở, ban ngành đều thống nhất;
Đối với các phương tiện hết hạn đăng kiểm chủ tàu đưa tàu vào kiểm tra chu kỳ theo qui định và thông báo cho đăng kiểm để thực hiện; đối với tàu đã đăng ký, hết hạn đăng kiểm nhưng có thay đổi về máy, kích thước thân vỏ thực hiện kiểm tra hoán cải theo mẫu định hình đã được công nhận và đăng ký lại tại Sở GTVT Bình Định.
Đối với các phương tiện chưa có đăng ký, đăng kiểm theo Luật GTĐT nội địa: Phương tiện vỏ gỗ được đóng theo kinh nghiệm dân gian Bình Định có xác định được năm đóng tàu, quyền sở hữu và thông số kỹ thuật thuộc mẫu tàu tỉnh Bình Định đã được công nhận sẽ thực hiện kiểm tra lần đầu theo qui định. Các phương tiện vỏ FRP nếu xác định được năm đóng tàu, có xác nhận tàu được đóng mới tại cơ sở đóng đóng tàu được công nhận theo qui định của Chính phủ sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế, kiểm tra lần đầu để cấp hồ sơ đăng kiểm và đăng ký.
Đối với tuyến từ bờ ra đảo đặc biệt là tuyến Hải Cảng - Đống Đa- Nhơn Châu TP Qui Nhơn đây là tuyến dân sinh có khoảng cách xa, thời gian hoạt động của phương tiện trên biển khoảng 1h30’các phương tiện này phải được nâng cấp SB. Về định hướng, địa phương cần có giải pháp đóng mới các tàu thỏa mãn với vùng hoạt động nhằm thay thế các tàu hiện có càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó cần tuyên truyền giáo dục chủ phương tiện nhận thức về an toàn và trang bị an toàn cho phương tiện, tăng cường kiểm tra kiểm soát, phối hợp xử lý theo qui định của pháp luật nhằm đảm bảo tuân thủ qui định. Trước mắt để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về an toàn các cơ quan chức năng địa phương cần có các biện pháp quyết liệt không để các phương tiện hết hạn đăng kiểm, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo Luật GTĐT tiếp tục hoạt động.