Trường Cao đẳng Hàng hải I đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty vận tải biển trong nước như Vosco, Vinalines, Vipco, Inlaco Sài Gòn, Inlaco Hải Phòng, Công ty CP VTB Thanh Bình… để tìm ra hướng đi mới đem lại lợi ích cho cả 3 bên: doanh nghiệp, nhà trường và học sinh, sinh viên.
Giờ học thực hành Vận hành máy Lớp thợ máy theo đơn đặt hàng của VOSCO
Theo Bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố, hiện nhiều cử nhân thạc sỹ đang phải cất tấm bằng đại học, thạc sỹ đi để “liên thông ngược” – tức là quay lại học trung cấp, cao đẳng nghề, hội tụ đủ các yếu tố để gia nhập thị trường lao động.
Qua đó đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian của lực lượng lao động. Đối lập với bức tranh đen tối về thất nghiệp của 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động, ngành Hàng hải trong nước và quốc tế với thu nhập cao, ổn định, với nhiều cơ hội phát triển cho người lao động lại xảy ra một nghịch lý là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực hàng hải, đặc biệt là thuỷ thủ, thợ máy.
Trong khi đó, rất nhiều lao động ở vùng sâu vùng xa, những vùng ven biển lại không có công ăn việc làm do họ không đủ điều kiện theo học đại học, cao đẳng. Rất nhiều chiến sỹ hải quân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, đã quen sống và làm việc trên biển, có ý thức tổ chức kỷ luật, có nguyện vọng được đi tàu viễn dương, sẵn sàng gắn bó lâu dài với nghề, nhưng lại khó có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Đứng trước sự khủng hoảng về nhân lực hàng hải trong thời gian này và dự báo còn thiếu hụt hơn nữa trong thời gian tới, trường Cao đẳng Hàng hải I đã đưa ra định hướng chiến lược rõ ràng để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, đó là “đào tạo, huấn luyện thuyền viên hướng tới khách hàng, đào tạo vì sự phát triển kinh tế hàng hải và giải quyết ngay việc làm cho người học sau tốt nghiệp” cho lực lượng lao động trẻ, xóa nghèo ở các vùng ven biển, các vùng nông thôn.
Nghề đi biển là một nghề đặc biệt, nó vừa phải thỏa mãn yêu cầu của người sử dụng trong nước, vừa phải đáp ứng yêu cầu của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (The international Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers - viết tắt là STCW78 sửa đổi năm 2010) do Tổ chức Hàng hải quốc tế (International Maritime Organisation - viết tắt là IMO) quy định. Với phương châm gắn đào tạo nghề với sản xuất, nhà trường đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty Vận tải biển trong nước như (Vosco, Vinalines, Vipco, Inlaco Sài Gòn, Inlaco Hải Phòng, Công ty CP VTB Thanh Bình… để tìm ra hướng đi mới đem lại lợi ích cho cả 3 bên: doanh nghiệp, nhà trường và học sinh, sinh viên.
Giờ học thực hành cẩu Lớp thủy thủ thuộc VOSCO
Qua thực tế của các lớp theo đơn đặt hàng của VOSCO cho thấy, đây là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện hiện tại và đáp ứng phần nào sự thiếu hụt nhân lực hàng hải, đặc biệt là đội ngũ thuỷ thủ, thợ máy trong thời điểm này.
Các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, một nửa thời gian học lý thuyết tại trường, phần còn lại các em được thực tập trên các tàu của các Công ty để làm quen và có thể bổ xung ngay nguồn nhân lực thiếu trên các tàu, đồng thời cũng là cơ hội để các em nâng cao được kỹ năng nghề, làm quen công việc tại cơ sở sản xuất trước khi ra trường. Kết thúc khoá học, qua đánh giá của các thuyền máy trưởng của VOSCO cho thấy, các em được làm quen với văn hóa và quy trình quản lý an toàn của công ty, kỹ năng nghề của các em cũng được nâng lên rất nhiều và hoàn toàn có thể đáp ứng ngay được yêu cầu của công việc thực tế. Toàn bộ số học viên này sẽ được VOSCO bố trí thực tập, tiếp nhận vào làm việc trên các tàu do Công ty quản lý với mức thu nhập cao và ổn định.