Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Thứ hai, 02/02/2009 08:39
Mùa Xuân 1960 - cách đây 49 năm, Bác Hồ đã phát động “ Tết trồng cây” với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Từ đó “ Tết trồng cây” đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Sáng 1/2 (mùng 7 Tết Kỷ Sửu), tại thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Kỷ Sửu 2009” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức.
Mùa Xuân 1960 - cách đây 49 năm, Bác Hồ đã phát động “ Tết trồng cây” với lời căn dặn: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Từ đó “ Tết trồng cây” đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Sáng 1/2 (mùng 7 Tết Kỷ Sửu), tại thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Kỷ Sửu 2009” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, ngành trong cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, để đất nước ta mỗi ngày thêm “xanh - sạch - đẹp” và giàu mạnh hơn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trồng cây, trồng rừng là việc tốn kém ít nhưng mang lại hiệu quả rất to lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Năm 2008, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, rét đậm, rét hại, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại to lớn đối với cuộc sống của nhân dân, nhưng các địa phương đã chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, tổ chức tốt công tác trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Nhờ đó, diện tích rừng trồng mới trong cả nước không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt độ che phủ trên 39%.
Song, công tác trồng, phát triển và bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước vẫn còn những hạn chế. Ở một số nơi, trồng cây, trồng rừng chưa trở thành phong trào thường xuyên, hiệu quả chưa cao, phá rừng vẫn còn nghiêm trọng, làm hủy hoại môi trường sống. Chủ tịch nước nhấn mạnh, phá rừng là một tội ác, phải bị nghiêm trị. Người dân cần có ý thức tố giác, kiên quyết ngăn chặn hành động phá rừng.
* Nhân dịp đầu xuân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự, thắp hương trên đàn tế và tuyên bố khai mạc Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) năm 2009.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoanh nghênh tỉnh Hà Nam đã có sáng kiến tổ chức Lễ hội Tịch Điền nhằm tái hiện huyền tích xưa và khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Lễ hội Tịch Điền (theo cách gọi dân gian là lễ Vua đi cày) được tổ chức đã tạo thêm khí thế thi đua lao động sản xuất vào dịp đầu xuân, khởi đầu cho một mùa màng bội thu, no ấm. Đây là một việc làm hữu ích phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp.
Lễ hội Tịch Điền cũng là lễ hội văn hóa, tâm linh hàm chứa sức sống, sự giàu có của văn hóa Việt Nam, cùng các lễ hội khác được tổ chức vào dịp đầu xuân, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc.
Theo Việt Sử lược - cuốn sử lược sớm nhất dưới thời Trần đã chép về sự kiện năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền ở Đọi Sơn, mở đầu để các vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Từ đó, lễ Tịch điền được diễn ra hàng năm dưới các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn... vào mỗi độ xuân về.
Cổng TTĐT Chính phủ
CP