Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ thị tăng cường các giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT đường bộ

Thứ năm, 01/06/2017 15:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa ký ban hành Chỉ thị số 03 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT đường bộ.

Chỉ thị nêu rõ, TNGT đường bộ hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn rất khó khăn, các phương tiện tăng nhanh cả về số lượng và lưu lượng. Nhìn chung, tai nạn giao thông có giảm nhưng mức độ giảm thấp, tính chất không ổn định (03 tháng đầu năm 2017 giảm, tháng 4 tăng).

Qua phân tích, tai nạn giao thông xảy ra vào buổi tối (18h-24h) chiếm đến 41% số vụ, lỗi do vượt làn, lấn làn, đi không đúng phần đường chiếm đến 34%; TNGT do không đảm bảo khoảng cách, gây TNGT liên hoàn xu hướng ngày càng tăng; tình trạng vi phạm tốc độ, lạng lách của xe khách, xe tải (đặc biệt xe ben) khá phổ biến, một số vụ TNGT do xe đỗ đêm dọc đường; tai nạn giao thông do xe máy ở mức cao, đặc biệt các lỗi luồn lách, rẽ ngay đầu xe khác; tai nạn tại các điểm mù của ô tô khá phổ biến tại các đô thị, các nút giao thông.

Để bảo đảm TNGT giảm đạt chỉ tiêu 5-10% theo Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản 5150/BGTVT-VP ngày 16/5/2017 về việc thực hiện nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm của mình, cố gắng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thực hiện nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp về công tác tuyên truyền; tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; quản lý kết cấu hạ tầng và bảo trì đường bộ; quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; thanh, kiểm tra...

Anh

Tổng cục ĐBVN yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm,
trong đó tập trung vào công tác bảo vệ KCHTGT; kiểm soát tải trọng xe; quản lý vận tải, phương tiện người lái...

Về công tác tuyên truyền, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về các nguy cơ cao gây TNGT như: tốc độ tối đa cho phép; khoảng cách xe khi lưu thông; buồn ngủ và mệt mỏi khi lái xe; uống rượu, bia khi lái xe; lấn làn, nhập làn từ đường nhánh vào đường chính, vượt xe, vượt ẩu, v.v...; đặc biệt, TNGT xảy ra vào buổi tối rất cao, cần tuyên truyền, khuyến khích việc hạn chế ra đường vào buổi tối khi không cần thiết; khi ra đường có đèn hoặc gắn giấy, vải phản quang vào xe, quần áo, các vật dụng. Tuyên truyền về điểm mù của phương tiện để lái xe và người tham giao giao thông biết và cảnh giác.

Tạp chí Đường bộ, Vụ Pháp chế - Thanh tra, các Cục QLĐB, các Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cắm bổ sung các biển báo, biển tuyên truyền, đưa vào tuyên truyền tại các trạm thu phí, trạm dừng nghỉ đường bộ các biển báo điện tử và đưa vào các chương trình giảng dạy cấp giấy phép lái xe, v.v...

Về công tác tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, Tổng cục ĐBVN yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và cập nhật các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tiến hành lập Hồ sơ điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT (theo Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ GTVT) và được phân loại.

Đẩy mạnh rà soát và ưu tiên nguồn lực điều chỉnh, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ, bảo đảm dễ nhìn, dễ hiểu và dễ chấp hành (ưu tiên vạch tim, vạch phân làn đường, gờ giảm tốc các đường ngang). Bổ sung các biển chỉ dẫn hướng đi, đặc biệt tại ngay vị trí lối ra trên đường cao tốc; sửa chữa, thay thế biển báo hư hỏng, cũ mờ; tháo bỏ biển báo thừa, gây nhiễu loạn và mất tập trung của lái xe... Tại các nút giao, điểm mở dải phân cách giải tỏa tầm nhìn bị cây cối, lều quán, biển hàng quán che khuất và ưu tiên bố trí đèn chiếu sáng tại các nút giao khu dân cư.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng (Chính quyền địa phương và cơ quan công an), phát hiện, xử lý những bất cập về đèn tín hiệu, về biển báo, sơn kẻ đường. Duy trì hoạt động của đường dây nóng đến từng đơn vị quản lý đường, qua đó tiếp nhận phản ánh của người tham gia giao thông về bất cập tổ chức giao thông, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao an toàn giao thông.

Về công tác quản lý kết cấu hạ tầng và bảo trì đường bộ, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục QLĐB, các Sở GTVT phối hợp với Chính quyền địa phương triển khai thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang đường bộ; tập trung giải tỏa tình trạng đấu nối, tôn cao, đào xẻ, tập kết vật liệu trong lòng lề đường để đảm bảo các phương tiện có thể đi ra lề khi cần thiết; khơi thông cống, rãnh và các cửa xả (không để tình trạng lấn chiếm hay cấp đất vào dòng chảy); giải tỏa ngay cây cối,  lều quán, biển quảng cáo, pa nô, băng rôn, dây điện lắp đặt trái phép; ngăn chặn tình trạng trồng cây, lắp dựng chướng ngại vật trong phạm vi tầm nhìn.

Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn kết cấu công trình, mặt đường êm thuận; kịp thời khơi thông cống, rãnh thoát nước, không để nước mưa tràn qua mặt đường phá hoại nền, mặt đường, công trình đường bộ; kiểm tra, sửa chữa luôn đảm bảo tình trạng kỹ thuật các đường lánh nạn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo trì, ưu tiên cho các hạng mục an toàn giao thông.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, thi công trên đường đang khai thác, Tổng cục yêu cầu trong quá trình cấp phép thi công, yêu cầu trong hồ sơ thiết kế, biện pháp tổ chức thi công phải sử dụng kết cấu, biện pháp thi công nhanh nhất, có các phương án phân luồng, điều tiết giao thông trong phạm vi thi công, hoặc phân luồng giao thông từ xa (nếu cần thiết) để hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong quá trình thi công và trước khi tiếp nhận bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng, phải kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Kịp thời phát hiện các bất cập về tổ chức, an toàn giao thông (kể cả lỗi do thiết kế hay thi công) để yêu cầu các Ban QLDA, Nhà thầu sửa chữa khắc phục, kiên quyết không tiếp nhận đưa vào khai thác, sử dụng khi công trình không đảm bảo an toàn giao thông.

Về công tác quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Tổng cục ĐBVN yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, đặc biệt đối với xe khách và xe ben (về tốc độ, hành trình, dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục, v.v…, xử lý đối với các phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định); hàng tháng trích xuất dữ liệu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Hàng tháng công khai trên trang thông tin điện tử, tại các bến xe danh sách các đơn vị thực hiện tốt, các đơn vị có nhiều vi phạm để các lực lượng chức năng và người dân có thể tra cứu, giám sát và lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Tăng cường phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe đối với lái xe, trong đó chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với hành vi sử dụng ma túy, các chất kích thích.  Công tác đào tạo sát hạch giấy phép lái xe phải rà soát, bổ sung vào giáo trình, chương trình đào tạo, vào bộ đề thi các vấn đề mới của Qui chuẩn báo hiệu đường bộ, các qui định pháp luật mới, các kỹ năng xử lý, các lỗi hay vi phạm. Tăng cường kiểm tra chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đẩy nhanh ký kết Qui chế phối hợp giữa Tổng cục ĐBVN và Cục Cảnh sát giao thông về quản lý vi phạm của người lái xe.

Về công tác thanh, kiểm tra, Tổng cục ĐBVN yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông Cục QLĐB, Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, trong đó tập trung vào công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; công tác kiểm soát tải trọng xe; công tác quản lý vận tải, phương tiện người lái...

X.N

X.N

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)