Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tạo đà cho ngành công nghiệp tàu thủy vươn lên mạnh mẽ hơn nữa

Thứ năm, 12/02/2009 08:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 11/2/2009), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Chính phủ đã nghe Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và một số Bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính và những khó khăn cần tháo gỡ của Tập đoàn.
Ngày 11/2/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Chính phủ đã nghe Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và một số Bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính và những khó khăn cần tháo gỡ của Tập đoàn.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong nhiệm vụ công nghiệp hóa đất nước, ngành cơ khí chế tạo được xác định là một trong những mũi nhọn then chốt trong đó ưu tiên ngành đóng tàu. Nhìn lại 13 năm qua, ngành đóng tàu Việt Nam hoạt động hiệu quả, doanh số và lợi nhuận, nộp ngân sách tăng cao theo từng năm, năng lực cơ khí chế tạo, đóng mới, sửa chữa, phát triển vượt bậc, có thương hiệu trên thị trường. Ngành đóng tàu phát triển đã kéo theo ngành công nghệ phụ trợ phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động...
 
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế Vinashin cần khắc phục ngay như tình hình tài chính chưa bền vững. Vì vậy, Vinashin  cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tránh đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, ổn định cơ chế vận hành và mô hình tổ chức...
 
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Vinashin rà soát lại chiến lược, quy hoạch dài hạn, kế hoạch ngắn hạn. Cùng với đó, Tập đoàn cần tính toán đầu tư tập trung vào lĩnh vực hoạt động chủ yếu, thế mạnh của ngành. Hoàn thiện điều lệ về quy chế tài chính và tổ chức của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành hỗ trợ giải quyết cơ chế tài chính cho Tập đoàn, tăng vốn chủ sở hữu để tạo đà cho doanh nghiệp vươn lên.
 
Đại diện các Bộ, ngành cho rằng xét về tổng thể thời gian qua Tập đoàn Vinashin hoạt động mang lại hiệu quả khá. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng giải pháp để tháo gỡ ngay các khó khăn để ngành công nghiệp tàu thủy hoạt động đúng hướng và mang lại hiệu quả cao.
 
Hiện quan hệ quản lý giữa Tập đoàn, các công ty con và công ty cháu còn có sự chồng chéo. Vinashin chưa hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt điều lệ và quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh cũng như việc quản lý, giám sát trong nội bộ Tập đoàn.
 
Đại diện các Bộ, ngành cho rằng Tập đoàn Vinashin cần rà soát lại các dự án đầu tư, tạm dừng các dự án chưa hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, không để xảy ra tình trạng mất cân đối vốn, cần tập trung chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực đóng tàu. Bên cạnh đó, kế hoạch đóng tàu xuất khẩu phải cụ thể chi tiết, tránh rủi ro…
 
Mỗi năm, phấn đấu xuất khẩu tàu thủy đạt 1 tỷ USD
 
Theo báo cáo của Tập đoàn Vinashin, năm 2008, trong điều kiện khó khăn, Tập đoàn vẫn tiếp tục đạt các chỉ tiêu và tăng trưởng cao so với năm 2007, sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức lương đảm bảo.
 
Năm 2008, giá trị tổng sản lượng của Tập đoàn đạt trên 36.000 tỷ đồng, tăng 38,45% so với năm 2007. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp là 26.564 tỷ đồng, chiếm 72%, vận tải 5.463 tỷ đồng, chiếm 15%. Tổng doanh thu đạt trên 32.500 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2007.
 
Năm 2009, Vinashin sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược xuất khẩu tàu thủy từ nay đến năm 2010 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/năm và đóng 3 triệu tấn tàu các loại cho các ngành vận tải biển, hàng hải, dầu khí, xi măng…để từ năm 2015 xuất khẩu được trên 2 tỷ USD/năm và đóng được 5 triệu tấn tàu mỗi năm.
 
Tập đoàn Vinashin xác định, nhu cầu vận tải biển nước ta đến năm 2015 là rất lớn, cần tổng số đội tàu trong nước khoảng 5 triệu tấn trọng tải. Đến năm 2020, cần 25 triệu tấn tàu để đảm bảo vận tải Bắc -Nam khoảng 30 triệu tấn và 30% vận tải nhập khẩu dầu thô, dầu sản phẩm, quặng sắt, than đá… như vậy trung bình mỗi năm thị trường đóng tàu nước ta có thể đảm bảo 1 triệu tấn trọng tải. 
 
Bên cạnh đó, ngành tập trung cho các hợp đồng lớn  với các nước như Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và phấn đấu giữ vững thị trường, uy tín của ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay cũng như đón bắt cơ hội, chiếm lĩnh thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh,  khai thác triệt để các đơn hàng trong nước để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Cổng TTĐT Chính phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)