Doanh nghiệp vận tải ở vùng sâu, vùng xa không thể chỉ mua xe để đáp ứng quy định tối thiểu mà phải dựa vào lượng khách thực tế - Ảnh: K.Linh
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã bỏ quy định số lượng xe tối thiểu đối với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, xung quanh quy định này bên cạnh sự đồng thuận vẫn còn quan điểm trái chiều.
Khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bỏ quy định số lượng xe tối thiểu là thay đổi được rất nhiều DN vận tải quan tâm. Trước đây, Nghị định số 86/2014 quy định DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe. Tương tự, DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch cự ly từ 300km trở lên phải có từ 10 xe trở lên nếu có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc T.Ư và từ 5 xe trở lên ở các địa phương còn lại. Tuy nhiên, tại dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT đề xuất bỏ các quy định trên.
Lý giải rõ hơn, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nêu ví dụ khi mở tuyến cố định mới như Đồ Sơn - Yên Nghĩa, lượng khách trên tuyến chỉ tương đương với tần xuất 2 xe chạy là phù hợp. Trong khi quy định lại bắt buộc DN vận tải phải có 10 xe thì 8 xe còn lại sẽ dư thừa.
Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, hiện nay chúng ta đang khuyến khích các DN vừa và nhỏ, nếu qui định số lượng xe tối thiểu, đương nhiên các DN nhỏ không tham gia được sân chơi này. “Nếu áp dụng cứng số lượng xe tối thiểu, có nghĩa nhiều DN sẽ phải thôi kinh doanh, sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Khi có quy mô lớn, DN có khả năng đầu tư tốt hơn về các điều kiện, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý phương tiện. Ngược lại, DN nhỏ nếu họ có tinh thần cao cũng sẽ quản được tốt xe của họ”, ông Ngọc khẳng định.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn việc bỏ quy định số lượng xe tối thiểu là đi ngược với yêu cầu các DN đầu tư tích tụ vận tải, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo ATGT, xây dựng DN vận tải có thương hiệu. Việc này sẽ nảy sinh tình trạng “nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải”, khiến thị trường kinh doanh vận tải sẽ ngày càng phát triển manh mún.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN bày tỏ không đồng tình với bỏ quy định này. “Nhiều DN vận tải có quy mô rất nhỏ, đối tượng này sẽ được thả nổi, hộ kinh doanh vận tải cá thể có một vài xe chạy hỗn loạn, không ai quản lý được. Các nước như: Thái Lan, Trung Quốc quy mô DN vận tải của họ rất lớn, năng lực quản trị tốt, tính an toàn cao. Vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải có quy định số lượng phương tiện tối thiểu để nâng tầm DN vận tải có quy mô lớn, đảm bảo tốt ATGT và tạo điều kiện cho lực lượng chức năng không phải quản nhiều đầu mối”, ông Thanh nói.
Nên quy định cụ thể từng loại hình vận tải
Đề cập vấn đề này, chuyên gia vận tải PGS, TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, mỗi nước có cách tiếp cận quy mô DN khác nhau theo từng loại hình vận tải. Loại hình taxi có thể bỏ được quy định số lượng phương tiện tối thiểu nhưng đối với xe buýt thì không thể bỏ quy định này. Theo ông Sùa, ở nhiều nước họ quan niệm chất lượng phụ thuộc vào “lượng đổi, chất đổi”. Trong tay anh có 5 xe không thể phục vụ được địa bàn có 1.000 người chẳng hạn.
Ngược lại, PGS, TS. Sùa cho rằng, nếu quy định số lượng xe tối thiểu lại cản trở DN vừa và nhỏ. Hiện, chúng ta có khoảng 98% DN thuộc đối tượng này mà Chính phủ đang giúp họ khởi nghiệp. Vì vậy, theo tôi cần phải phân rõ loại hình nào cần thiết phải có số lượng xe tối thiểu, loại hình nào không. Ví dụ, như trường hợp đối với xe buýt tôi nói ở trên, với tần suất 10 phút/chuyến mà trong tay DN có 5 xe không thể làm được.
“Chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm”, trong 5 loại hình vận tải đường bộ, cần phân rõ loại hình nào cần quy định số lượng xe tối thiểu, loại hình nào thị trường tự điều tiết được thì không cần quy định hoặc khuyến khích điều kiện về số lượng phương tiện, có những luồng tuyến hay đơn hàng vẫn cần DN thực sự có năng lực”, ông Sùa nói.
Trước lo ngại nếu không quy định số lượng tối thiểu sẽ không khuyến khích được DN vận tải có quy mô lớn, nhất là khi đến năm 2020, theo cam kết mở cửa khi gia nhập WTO của Việt Nam DN vận tải trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà, ông Sùa cho rằng, hiện nay số lượng Uber, Grab đã phát triển gấp nhiều lần số lượng taxi truyền thống.
“Theo tôi, nên quy định theo hướng bắt buộc có định hướng, giống như Tiêu chuẩn và Quy chuẩn. DN phải tự đổi mới số lượng, chất lượng, nguồn lực, chất lượng dịch vụ nếu không cũng sẽ thua ngay bây giờ chứ chưa nói đến mở cửa. Nên khuyến cáo chứ không nên quy định cứng nhắc, doanh nghiệp nhỏ quá làm sao ra được biển lớn. Hoặc là, nên quy định theo hướng vốn pháp định, muốn thành lập DN vận tải, anh phải có số vốn điều lệ nhất định. Điều này cũng giống như bên hàng không, muốn thành lập DN phải có số vốn nhất định, tương đương theo số vốn đó là bao nhiêu tàu bay”, PGS, TS. Sùa đề xuất.