Dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, đáp ứng thị trường lao động

Thứ năm, 19/02/2009 08:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành đối với Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2008-2015 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì xây dựng.
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành đối với Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2008-2015 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì xây dựng.
 
Từ nay đến năm 2015 phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn/năm Đề án hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, bảo đảm sự phù hợp về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao.
 
Quan điểm đổi mới của Đề án này là chuyển mạnh từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu đa dạng của xã hội; gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, địa phương và gắn dạy nghề với việc làm của người lao động. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2015 quy mô dạy nghề tăng khoảng 7%/năm, đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn/năm, đào tạo mới 15.000 giáo viên dạy nghề đạt 100% chuẩn về trình độ chuyên môn, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề với 200 trường cao đẳng nghề… 
 
Bộ trưởng Bộ LĐBTXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần những nhóm giải pháp lớn để thực hiện thành công mục tiêu Đề án như đổi mới cơ chế chính sách và huy động nguồn lực cho dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng nguồn lực đầu tư cho dạy nghề; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề… 
 
Đóng góp ý kiến cho Đề án, đa số đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đều thống nhất về sự cần thiết sớm ban hành Đề án; đồng thời mong muốn hệ thống dạy nghề phải được đổi mới và phát triển nhằm khắc phục các yếu kém và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước và xuất khẩu lao động.
 
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành cũng cho rằng cần phải phổ cập dạy nghề tới từng xã, huyện để mỗi quận, huyện, thị xã có 1 trung tâm dạy nghề vì hiện nay còn trên 50% số huyện chưa có trung tâm dạy nghề. Nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh thời gian triển khai Đề án từ nay đến năm 2020, thay vì chỉ đến năm 2015, cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và có những cơ chế chính sách phù hợp đối với người học …
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 2 khâu đột phá cần chú trọng trong đổi mới và phát triển dạy nghề là quản lý nhà nước về dạy nghề và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề.
 
Đối với quản lý nhà nước về dạy nghề, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Nhà nước chỉ đầu tư vào những cơ sở dạy nghề chuẩn mực, đạt chuẩn quốc gia và ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn, còn lại cần khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo để công tác dạy nghề không dựa hoàn toàn vào ngân sách.
 
Xác định giáo dục đào tạo là cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án với các mục tiêu cụ thể, xuất phát từ yêu cầu của xã hội và đất nước, để khi được phê duyệt Đề án sẽ được triển khai ngay nhằm đạt hiệu quả cao.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, Đề án xây dựng các giai đoạn thực hiện từ nay đến năm 2020. Cụ thể từ nay đến năm 2010 thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt và 2 giai đoạn tiếp theo từ năm 2010-2015 và 2015-2020.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần chính sách phù hợp nhằm thu hút và huy động toàn bộ lực lượng giáo viên dạy nghề hiện nay tham gia Đề án; đồng thời xây dựng hệ thống cơ chế chính sách cụ thể cho người đi học, cho giáo viên và cả cơ sở đào tạo.
Cổng TTĐT Chính phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)