Hội thảo về Chính sách đường sắt Việt Nam – Hàn Quốc: Tư vấn chính sách về đường sắt đô thị

Thứ năm, 29/06/2017 15:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo về Chính sách đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong khuôn khổ Dự án Đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT (Dự án DEEP) được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA.

Hội thảo do KOICA tài trợ nhằm mục tiêu xây dựng chính sách thu hút đầu tư, phát triển ĐSĐT.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Trong Dự án Đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT, KOICA sẽ thực hiện 3 hợp phần chính, đó là: Tư vấn để thực hiện hợp tác đối tác công – tư (PPP) các dự án kết cấu hạ tầng giao thông; Tư vấn về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đường sắt; Thực hiện chương trình phát triển năng lực trong lĩnh vực đường sắt.

Hội thảo thuộc hợp phần 3 của Dự án DEEP về phát triển năng lực đường sắt của dự án. “Đây là những nội dung rất cần thiết để tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế pháp lý trong lĩnh vực đường sắt. Đặc biệt là thúc đẩy hợp tác lẫn nhau để cải thiện ĐS quốc gia, ĐSĐT tại Việt Nam”, ông Khôi nói.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục ĐSVN phát biểu tại Hội thảo

Bà Cho Hankyulsam, Phó trưởng Văn phòng đại diện KOICA tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Hội thảo này là một nội dung trong hợp phần tư vấn chính sách ngắn hạn, qua đó Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tự chủ về kỹ thuật và xây dựng thể chế chính sách cho ngành ĐS và cao hơn nữa là góp phần vào xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng GTVT Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Đỗ Việt Hải, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thông tin về quy hoạch phát triển mạng lưới và tình hình triển khai các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến tàu điện một ray và một số tuyến xe buýt nhanh để hỗ trợ cho các tuyến ĐSĐT và chuyển thành ĐSĐT trong tương lai. Hiện nay có  4 đoạn tuyến đã được phê duyệt dự án. Trong đó có 02 đoạn tuyến đang thực hiện đầu tư (tuyến số 2A đoạn Cát Linh – Hà Đông, tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội); 02 đoạn tuyến đang chờ chấp thuận điều chỉnh dự án (tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi – ga Hà Nội, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo). Với các tuyến khác, hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu đầu tư theo hình thức đối tác công –tư (PPP).

Tiến sĩ Moon Dae Seop, đại diện Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI) kiến nghị,
Việt Nam cần thiết phải ban hành Khung Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho ĐSĐT 

Về tiềm năng phát triển hệ thống đường sắt đô thị, tiến sĩ Moon Dae Seop, đến từ Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách vận hành và dự án đường sắt đô thị mang tính nhất quán, trong đó Chính phủ giữ vai trò chủ đạo. Bộ GTVT nên ban hành Khung Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho ĐSĐT để các nhà đầu tư khác nhau đầu tư xây dựng các tuyến có căn cứ để áp dụng công nghệ, tránh “vênh” về kỹ thuật khi kết nối các tuyến; việc xây dựng mức giá khi vận hành khai thác sau này phải sát theo thực tế…

Trong chương trình Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt của Việt Nam và Hàn Quốc tập trung thảo luận những nội dung quan trọng về Quy hoạch phát triển mạng lưới ĐSĐT Hà Nội, TPHCM; tình hình triển khai các dự án ĐSĐT tại Việt Nam hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm kế hoạch vận hành và chính sách về ĐSĐT tại Hàn Quốc, cách huy động vốn để đầu tư ĐSĐT, chính sách cụ thể trong việc xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc; xây dựng kế hoạch, tăng cường năng lực thực hiện tư vấn chính sách trong đầu tư, phát triển ĐSĐT, qua đó tư vấn sẽ hoàn thiện nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Dự án đã đặt ra.

VH
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)