Phiên họp lần thứ 10 của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC (APSN) và Hội thảo bên lề “Tái cơ cấu hoạt động kinh doanh cảng biển và vận tải biển – Cơ hội và thách thức”

Thứ sáu, 18/08/2017 08:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong các ngày từ 15 đến 18/8/2017, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC (APSN) trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu phát biểu tại Phiên họp lần thứ 10 của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC

Phiên họp lần thứ 10 của Hội đồng APSN diễn ra từ ngày 17-18/8/2017, bên lề của Phiên họp có Hội thảo với chủ đề “Tái cơ cấu vận tải biển và cảng biển – Xu thế và thách thức” diễn ra từ ngày 15-16/8/2017. Tham dự các sự kiện của APSN tại thành phố Hồ Chí Minh lần này gồm 100 đại biểu đại, diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải hàng hải và logistics thuộc 13 nền kinh tế APEC. Đoàn Việt Nam tham dự các sự kiện của APSN do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn Việt Nam có cán bộ của các phòng tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ hàng hải, hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển và trường, học viện.

Ngoài việc rà soát các công việc đã triển khai trong năm qua, Hội đồng APSN đã đề xuất triển khai các hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập, Kế hoạch chiến lược 5 năm, Kế hoạch hành dộng, thành lập Trung tâm nghiên cứu APSN, thông qua báo cáo tài chính năm 2016 và xây dựng kế hoạch tài chính năm 2018 của tổ chức.

Cuộc họp Hội đồng lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2018 tại Singapore nhân kỷ niệm 10 năm thành lập APSN. Nhân dịp này, APSN dự kiến sẽ tổ chức một loạt sự kiện đánh dấu sự phát triển quan trọng này, như: Diễn đàn kết nối cảng biển APEC 2018, Khai trương Trung tâm nghiên cứu APSN, Bảo tàng điện tử APSN…

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều bài tham luận và ý kiến tập trung vào những nội dung như: Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tái cơ cấu hoạt động vận tải biển và cảng biển, xu thế phát triển cảng biển xanh, sự hình thành liên minh cảng biển trên thế giới, những kinh nghiệm của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan trong phát triển cảng biển, vận tải biển.

Do sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên của vận tải biển trong hơn 2 thập niên phát triển. Theo thống kê của UNTAD, năm 2009 sản lượng vận tải biển thế giới đạt 7,86 tỷ tấn giảm 4,5% so với năm 2008. Mặc dù từ năm 2010 đến nay, sản lượng vận tải biển đã có bước tăng trưởng trở lại tuy nhiên chưa đạt được như giai đoạn trước khủng hoảng (2000-2008).

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang tiếp tục tác động rất lớn đến lĩnh vực vận tải biển và ngành công nghiệp cảng biển thế giới. Sự sụt giảm về hàng hóa, khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp vận tải lớn trên thế giới đang tạo ra một xu thế mới đó là: Cơ cấu lại đội tàu thế giới phù hợp với nhu cầu vận tải; Tăng kích cỡ tàu vận tải; và Sáp nhập các doanh nghiệp vận tải biển nhằm tối ưu hóa các chi phí và tăng lợi nhuận.

Điều này cũng đặt ra những thách thức cho ngành khai thác cảng biển trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực để đáp ứng các điều kiện khai thác và tăng sức hút với các hãng tàu.

Sự suy giảm của kinh tế hàng hải quốc tế thời gian qua đã tác động rất lớn đến ngành hàng hải Việt Nam. Kể từ năm 2009, hàng loạt các doanh nghiệp hàng hải của Việt Nam phải thực hiện tái cơ cơ cấu để duy trì hoạt động, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp lớn như Vinashin, Vinalines.

Các đại biểu tham dự bày tỏ hy vọng rằng những bài tham luận và ý kiến chuyên gia sẽ là cơ sở tiếp tục tổ chức những cuộc gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh giữa các quốc gia thành viên APEC, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, hàng hải, logistics, tài chính, thiết bị và công nghệ…

nhunghv

Nguồn: Cục Hàng hải VN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)