Sau gần 5 năm thi công, những người thợ Việt Nam tại Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đã viết nên những nốt nhạc vui khi kịp thông xe toàn tuyến vào ngày 21/8.
Đường dẫn vào hầm Đèo Cả thuộc Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả
Vượt tiến độ 4 tháng
Ngược dòng thời gian về với vùng đèo Cả để điểm lại lịch sử của vùng đất nơi công trình trọng điểm quốc gia đã thành hình. Năm 1936, tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân (nay là xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) dưới chân đèo Cả đã diễn ra một sự kiện quan trọng đối với ngành Giao thông Việt Nam. Đó là nối thành công mét ray cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700km. Tháng 11/2012, cũng tại khu vực này, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đã được khởi công.
Khó có thể nói hết được những gian nan, vất vả của chặng đường dài đưa công trình hầm Đèo Cả về đích. Cũng khó nói hết được cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người thợ làm hầm trong những ngày bám trụ tại đây, chịu biết bao gian khổ với nắng gió, mưa bụi công trường. Và càng khó nói hết được những khát vọng tạo nên công trình thế kỷ của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu, đơn vị thi công cùng các đối tác... Thực tế đã chứng minh rằng, từ những quyết tâm sắt đá, từ những quyết định táo bạo, sáng suốt đôi khi có phần liều lĩnh đã đưa đại công trình hầm Đèo Cả về đích an toàn, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch Bộ GTVT phê duyệt, tạo nên mốc son của ngành Giao thông quốc gia.
Công trình hầm Đèo Cả hoàn thành không chỉ ý nghĩa ở việc tiết giảm thời gian, nhiên liệu mà còn góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm, mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm công trình hầm Đèo Cả: “Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả phải là động lực mới đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực”.
Trí tuệ người Việt Nam
Làm nên kỳ tích hầm Đèo Cả là nhờ vào sức mạnh, trí tuệ của tập thể những nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả), đơn vị tài trợ vốn (VietinBank), các nhà thầu thi công (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội). Họ là những kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân trực tiếp lao động trên công trường để cùng hướng đến mục đích chung là hoàn thành hầm Đèo Cả. Đó là những cái tên đã tạo được dấu ấn tại đại công trường này như Lê Quỳnh Mai, Đỗ Văn Nam, Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Tấn Đông, Đinh Trọng Quang, Nguyễn Văn Linh... hay những kỹ sư Trần Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh, Huỳnh Duy Hùng... mà đằng sau họ là sự hậu thuẫn từ những tên tuổi đáng nể trong Ban cố vấn cấp cao như PGS-TS Trần Chủng, nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, TS Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Huy Mạ, Lê Đức Hiệp...
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, dự án luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan; đặc biệt là lãnh đạo Bộ GTVT.
Nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đánh giá: “Dự án hầm Đèo Cả hội tụ bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Từ đây sẽ có nhiều bài học để làm nền móng tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam trong tương lai”. Còn Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ thì khẳng định, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, nếu biết tổ chức tốt, lựa chọn các hình thức phù hợp thì có thể huy động được nhiều nguồn lực tham gia. “Công trình này tạo nên nhiều kinh nghiệm để ngành Giao thông có những giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Ở một khía cạnh khác, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả là “trường học” uy tín đào tạo nên những người thợ cao cấp cho các công trình ngầm của các loại hình giao thông trong tương lai”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, điểm nổi bật là khi hình thành dự án, phương án tài chính là vay vốn nước ngoài, thuê nhà thầu EPC nước ngoài thực hiện với tổng vốn hơn 15.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, nhà đầu tư đã huy động thành công nguồn lực trong nước bằng hình thức xã hội hóa và do chính người Việt Nam triển khai, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhưng quy mô dự án vẫn không thay đổi. “Thực tiễn dự án do người Việt Nam tự đầu tư, triển khai thi công cho thấy năng lực của nhà đầu tư, các nhà thầu được phát huy rõ rệt. Từ đây, đội ngũ những người thợ Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu thực hiện những dự án giao thông khác”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.
Dấu ấn Hồ Minh Hoàng
Là người con của Phú Yên luôn trăn trở với những khó khăn khi tỉnh nhà bị hai ngọn đèo án ngữ, nên ông Hồ Minh Hoàng,Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã mang khát vọng táo bạo mở hầm xuyên núi. Ngược xuôi ra Bắc vào Nam, ông Hồ Minh Hoàng đã tìm những người cùng chí hướng, cùng truyền khát vọng mở hầm để thắp lên mơ ước bao đời, bao người ở quê hương mình. Hàng loạt kỹ sư giỏi được mời về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, các đơn vị tư vấn giám sát Nippon Koei (Nhật Bản); Apave (Pháp) và Doha (Hàn Quốc). Những nhà thầu có kinh nghiệm đào hầm mở núi nhất nhì Việt Nam như Sông Đà 10, Lũng Lô… cũng được mời tham gia dự án.
Lấy tiêu chí an toàn, hiệu quả đi đầu, đồng thời với cách quản trị có phần “khác lạ” ở Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự đã làm nên kỳ tích, ghi dấu ấn cho xứ Nẫu thân thương.
Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông, “đội quân” tinh nhuệ này lại tiếp tục tham gia Dự án Mở rộng hầm Hải Vân 2, viết thêm những kỳ tích góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển.