Thời tiết ở vùng cảng biển luôn khắc nghiệt, nắng rát vào mùa hè, gió buốt về mùa đông. Thế nhưng hơn 300 cán bộ, công nhân của Cảng Nghệ Tĩnh vẫn ngày đêm bám cảng, đón dỡ những tấn hàng lớn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để cải thiện điều kiện lao động cho công nhân và giải phóng tàu nhanh, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh mạnh dạn từng bước hiện đại hóa phương tiện bốc xếp hàng hóa.
Cảng Nghệ Tĩnh đầu tư cầu bờ di động của Đức trị giá hơn 85 tỷ đồng
Những ngày tháng 8, trên bến cảng Cửa Lò nắng như thiêu đốt. Vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, hàng trăm công nhân Cảng Nghệ Tĩnh vẫn cần mẫn lao động, điều chuyển các xe máy, lên xuống móc cẩu bốc xếp hàng hóa một cách chuyên nghiệp, chính xác. Công việc của công nhân cảng vất vả là vậy, nhưng mỗi người đều nhận thấy niềm tự hào khi đóng vai trò là một mắt xích trong lưu thông hàng hóa của địa phương, của các tỉnh bạn và từ nước ngoài về… góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tú – Chủ tịch Công đoàn Cảng Nghệ Tĩnh cho hay: “Một ca làm việc của công nhân cảng quy định 6 tiếng. Một ngày chia làm 4 ca, làm cả ban đêm, nhưng thời tiết thế này, ít ai làm được liên tục 6 tiếng, phải bố trí hợp lý cho anh em nghỉ ngơi tái sản xuất hiệu quả…”. Chia sẻ của vị Chủ tịch Công đoàn chứa đựng những thấu hiểu, thương yêu…
Niềm vui của cán bộ, công nhân Cảng Cửa Lò như dâng tràn khi đầu tháng 8/2017, chiếc cần cẩu lớn nhất Bắc Trung bộ có tên gọi là cẩu bờ di động Terex Gottwwald, với sức nâng tối đa lên tới 100 tấn và tầm làm việc tới 46m được lãnh đạo cảng nhập trực tiếp từ Đức về để tăng năng lực làm việc, giải phóng hàng hóa nhanh cho các tàu. Trị giá của cẩu này là 85 tỷ đồng và trực tiếp do các chuyên gia Đức đến lắp đặt, vận hành thử và chuyển giao cho công nhân cảng đưa vào hoạt động. Cẩu được trang bị khung xe bánh lốp có thể di chuyển linh hoạt trong khu vực cảng và bến bãi, khả năng thay đổi nhanh chóng của cơ cấu nâng hạ, cẩu phù hợp cho việc bốc xếp linh hoạt.
Ưu điểm nữa là cẩu được thiết kế và chế tạo đảm bảo làm việc tốt trong vùng nhiệt đới nóng ẩm có gió bão lớn, chịu được ảnh hưởng của gió, nước biển… Với việc đầu tư cẩu lớn nhất Bắc Trung bộ, cảng Nghệ Tĩnh đã ghi điểm với khách hàng.
Tổng Giám đốc Cảng Nghệ Tĩnh, ông Lê Doãn Long cho hay: Sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn, việc xuất hiện nhiều cảng mới như cảng Nghi Sơn, Vũng Áng, rồi ngay cả cảng Tuấn Lộc bên cạnh, cảng The Vissai… sẽ là thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Điều đó đòi hỏi, Cảng Nghệ Tĩnh ngày càng phải nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh cẩu bờ di động nói trên, thiết bị xếp dỡ tại cảng đang ngày càng được hiện đại hóa.
Cảng còn có cần cẩu bánh xích Q50, cần cẩu bánh xích 60T, cần cẩu KC4561(KPAZ7); cẩu chân đế 40T; cẩu bánh xích thủy lực 50T(KH180); bộ khung cẩu chân đế 40T, 2 bộ khung chụp, hàng trăm máy đào, máy xúc, gàu ngoạm, rơ moóc, moóc kéo, xe tải, kho hàng, bến bãi và nhiều thiết bị máy móc, dụng cụ hiện đại để phục vụ xếp dỡ hàng hóa… Các thiết bị đầu tư đang phát huy tác dụng và có hiệu quả, giảm chi phí, nhân công, tăng năng suất lao động tăng từ 10 – 15%.
Tàu container cập bến cảng Cửa Lò
Cũng trong năm 2017, cảng còn đầu tư thêm 3 đầu kéo chuyên dụng trị giá 6 tỷ đồng, 1 khung chụp tự động hơn 4 tỷ đồng… Đầu tư máy móc hỗ trợ nên sản lượng hàng hoá thông qua 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1.681.000 tấn, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 53% kế hoạch năm 2017. Trong đó: Hàng xuất khẩu đạt 560.946 tấn, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 53,3% so với kế hoạch được giao; hàng quá cảnh đạt 50.520 tấn, đạt 81,97% so với cùng kỳ, hàng nhập khẩu đạt 49.815 tấn, đạt 68,9% so với cùng kỳ, hàng nội địa đạt 1.019.719 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ; hàng container đạt 30.032 TEU tương đương 534.973 tấn thông qua, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 46,5% so với kế hoạch được giao. Doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng năm 2017 đạt 80.315 triệu đồng.
Với truyền thống gần 100 năm hình thành và phát triển, Cảng Nghệ Tĩnh luôn tự hào là địa bàn chiến lược và là trung tâm giao thương hàng hải của Bắc Trung bộ. Truyền thống anh hùng, kiên cường trong chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và lao động sản xuất được các thế hệ cán bộ, công nhân viên Cảng Nghệ Tĩnh phát huy trong thời kỳ hội nhập, phát triển.