Đó là ý kiến khẳng định của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại buổi tọa đàm với chủ đề “Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT” do Báo CAND tổ chức ngày 7/9.
Nhờ có hình thức đầu tư BOT giao thông những năm qua đã xây dựng được hàng nghìn km đường, thúc đẩy phát triển KT-XH tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được đầu tư theo hình thức BOT) - Ảnh: T.L
Nói BOT tù mù chỉ là nhận xét cá nhân
Theo ông Kiên, ngày 15/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có kết quả giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông. Cụ thể, các dự án BOT có những sai sót trong quá trình triển khai giai đoạn năm 2011-2016 và những sai sót đó đã từng bước được khắc phục.
Ông Kiên cũng cho biết, ban đầu các dự án BOT thực hiện theo quy định tại Nghị định 78/2007, sau đó được thay thế bằng Nghị định 108/2009 nhưng mới thu hút được chưa tới 10 dự án BOT. Quá trình triển khai từ năm 2012-2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập của Nghị định 108 và Chính phủ đã khắc phục bằng việc ban hành Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên: "Có câu “Lộ thông, tài thông” tức là đường đến đâu thì tài chính phát triển đến đó. Đảng đã xác định phải phát triển kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức khác nhau. Thực tế, trong 5 năm qua, chúng ta đã nâng được 36-38 bậc về hạ tầng cơ sở. Đây là một thành công vượt bậc, chủ yếu là sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, huy động nguồn lực trong dân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Nhiều địa phương mong có đường tốt, cảng hàng không hoặc cảng biển tốt để tạo cú hích phát triển kinh tế."
“Đoàn giám sát của UBTVQH chỉ rõ 12 nhóm tồn tại của các dự án BOT và cũng đưa ra 16 nhóm giải pháp để khắc phục. Do đó, ý kiến cho rằng, quá trình triển khai BOT của Việt Nam là “tù mù” chỉ mang tính cá nhân, không phải ý kiến chính thức của Bộ KH&ĐT - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt nhà đầu tư BOT và cấp giấy chứng nhận đầu tư”, ông Kiên nêu quan điểm khi đề cập đến ý kiến phát biểu gần đây của một Thứ trưởng Bộ KH&ĐT trước truyền thông rằng: “BOT hiện nay có quá nhiều tù mù và nguy cơ rủi ro tham nhũng lớn nhất”.
Về mặt pháp lý, dưới góc độ của cơ quan giám sát, ông Kiên phân tích thêm, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua mới chỉ dừng ở mức nghị định của Chính phủ nên chịu tác động điều chỉnh của rất nhiều luật. Thời gian đầu, hệ thống văn bản pháp luật về triển khai dự án BOT yếu và không phù hợp trong việc đảm bảo quản lý Nhà nước. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật cũng không phản ánh được sự bình đẳng của cơ quan Nhà nước khi tham gia vào dự án BOT với vai trò là đối tác với các nhà đầu tư.
“Nếu theo Nghị định 108, Kiểm toán Nhà nước không tham gia kiểm toán các công trình BOT, tuy nhiên, sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Chính phủ quyết định Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán các dự án BOT là có cơ sở pháp lý và ghi vào hợp đồng với các nhà đầu tư”, ông Kiên nói và cho biết, đoàn giám sát UBTVQH đang đề nghị trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện dự án BOT đã được Bộ GTVT tổ chức vào tháng 6/2016, Chính phủ cần tổng kết và có văn bản về các chương trình đầu tư BOT. Trong đó, cần thiết phải nâng Nghị định về đầu tư PPP lên thành Pháp lệnh hoặc luật để đảm bảo tính pháp lý cao hơn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
QL1 qua thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT - Ảnh: Vĩnh Phú
Tiếp tục làm BOT trên tinh thần mới
Trả lời câu hỏi: “Tại sao khi triển khai những dự án đầu tư theo hình thức BOT các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch và không tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư?”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Nói các cơ quan chức năng không công khai thông tin là không đúng. Đối với Bộ GTVT, mọi thông tin đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT”.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hầu hết các dự án BOT trong giai đoạn năm 2011-2015, Bộ GTVT đều giao cho các Ban QLDA lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư, trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt. Trong quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT đều lấy ý kiến của địa phương (một số dự án đặc thù, Bộ GTVT có văn bản đề nghị và nhận được sự đồng thuận bằng văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn ĐBQH) và tiến hành thẩm định chi tiết các nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khi xác định cơ bản về dự án, Bộ GTVT tổ chức công bố danh mục dự án theo quy định và tiến hành lựa chọn nhà đầu tư sau khi dự án được phê duyệt. Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2011 của Bộ KH&ĐT (nay được Chính phủ quy định tại Nghị định 30/2015). Việc công bố danh mục dự án và mọi thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư đều được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.
“Công tác lựa chọn nhà đầu tư ở tất cả dự án BOT giai đoạn năm 2011-2015 đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đều tuân thủ quy định của Chính phủ tại Điều 14, Nghị định 108 của Chính phủ đó là dự án cấp bách được Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc sau khi hết thời hạn 30 ngày công bố danh mục dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký. Bộ GTVT nhận định, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư là một hạn chế và đã khắc phục ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Đề cập đến vấn đề có nên làm BOT nữa hay không, ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2 (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, ngân sách cho đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng hạn hẹp nhưng nhu cầu phát triển KT-XH ngày càng cao. “Nhờ thu hút được BOT mà chúng ta đã nâng cấp và cải tạo được hơn 2.500km, 500km đường được làm mới. Giải pháp đưa ra là sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế BOT, cần trình Quốc hội các nghị định về đối tác công tư, để phát triển thành luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đặc biệt là công tác giám sát của người dân; minh bạch hóa các công ty về BOT và tuyên truyền cho người dân hiểu được cái tích cực của BOT”.
Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên nói: “Tiếp tục thực hiện các dự án BOT trên một tinh thần mới là cần thiết. Về vĩ mô, BOT là phương án phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP. Các cơ sở pháp lý này cần mang tính bao trùm và xử lý được 12 vấn đề tồn tại của các dự án BOT để thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
Gần 80 đoàn thanh, kiểm tra BOT giao thông
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Bộ GTVT đã tổng kết 5 năm thực hiện BOT, qua đó đã nhận ra cái được và chưa được của hình thức đầu tư này thời gian qua. Bên cạnh đó, vừa qua đã có tới gần 80 đoàn thanh, kiểm tra gồm: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính... vào thanh, kiểm tra các dự án BOT. Vì thế những vấn đề được và chưa được đã khá rõ ràng. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đồng thời sẽ từng bước khắc phục, rút kinh nghiệm để khi đầu tư cao tốc Bắc Nam sẽ tránh những cái chưa được.