Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng lưu lượng trên các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác đạt khá cao với 22% so cùng kỳ năm trước, tương ứng với 27,4 triệu lượt.
Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gây ấn tượng khi đạt mức tăng trưởng 35%, với 9,7 triệu lượt. Đã có trên 6,6 triệu lượt phương tiện thông qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai, con số này cao hơn 25% cùng kỳ. Đứng đầu là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây phục vụ trên 11 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình 35.000 – 40.000 lượt/ngày đêm.
Theo VEC, dù mới thông xe đưa vào khai thác 65km từ ngày 02/8/2017, tuyến cao tốc đầu tiên trên dải đất miền Trung nắng gió – cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng đã phục vụ gần 86.000 lượt phương tiện, với mức bình quân hiện tại 1.400 – 1.600 lượt phương tiện/ngày đêm. Từ 0h ngày 09/9/2017, tuyến cao tốc này tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc bằng thẻ điện tử sử dụng công nghệ RFID.
Đi trước đón đầu tận dụng cơ hội giao thương thuận lợi sau khi tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thông xe toàn tuyến vào tháng 6/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 20/10 tới. Theo đó, Tỉnh ưu tiên đầu tư 14 dự án trọng điểm, với việc hình thành nhiều cơ sở sản xuất.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, trở ngại trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc, VEC vẫn chỉ đạo các đơn vị vận hành khai thác tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát nhằm bảo vệ sự bền vững kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao tuổi thọ và chất lượng công trình, giảm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng…, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trong 3 quý đầu năm, số phương tiện được kiểm soát tải trọng và số phương tiện không được phép vào đường cao tốc đều tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với trên 2 triệu lượt phương tiện và 35.000 phương tiện bị từ chối phục vụ. Với chiều dài lớn nhất, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai kiểm soát 1.385.000 lượt phương tiện, số phương tiện quá tải buộc phải quay đầu chiếm 1,86%.
Bên cạnh không cho phép phương tiện quá tải lưu thông vào đường cao tốc, 9 tháng qua, VEC còn từ chối phục vụ 77 phương tiện vi phạm các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc; trong đó, có 48 trường hợp phương tiện dừng đỗ, 09 trường hợp sang tải hàng, 04 trường hợp gian lận cước phí và 02 trường hợp chống đối người thi hành công vụ. 14 trường hợp không được vào đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là do phương tiện đi ngược chiều trên tuyến.
Cũng trong 3 quý, trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, số người chết và người bị thương không tăng so cùng kỳ; một số phương tiện của người tham gia giao thông và tài sản đường cao tốc bị thiệt hại. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn trên là do các phương tiện khi lưu thông trên cao tốc không giữ khoảng cách an toàn dẫn đến đâm va; phương tiện bị mất lái dẫn đến lật xe…
Nhằm giảm bớt áp lực ùn tắc tại nút giao Quốc lộ 51 với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, nâng cao chất lượng phục vụ, trước mắt VEC đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải áp dụng đồng bộ một số giải pháp. Về lâu dài, VEC tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững để đảm bảo tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây được thông suốt trong mọi thời điểm nhằm “Hài lòng người dân, hài lòng doanh nghiệp”.
Từ đầu năm đến nay, có nhiều sự kiện lớn đối với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: 1) Ngày 10/3, đưa vào khai thác Trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS) và đón phương tiện thứ 30 triệu; 2) Ngày 15/5, hệ thống thu phí kín sử dụng công nghệ RFID được đưa vào khai thác; 3) Ngày 21/8, đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) thông qua thiết bị OBU sử dụng công nghệ DSRC.
Tuấn Anh