Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, hiện đã có 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi đề nghị được tham gia nghiên cứu dự án xây dựng cảng Liên Chiểu có tổng vốn đầu tư dự kiến 324 triệu USD.
Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2
Đưa giai đoạn 2 cảng Tiên Sa vào hoạt động vượt tiến độ 2 tháng
Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho hay, theo báo cáo của Tư vấn quản lý, được khởi công cuối tháng 7/2016 và dự kiến hoàn thành (theo hợp đồng) vào cuối tháng 2/2018 nhưng đến nay tiến độ thực hiện gói xây lắp của dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã đạt trên khoảng 85% khối lượng.
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2017, vượt tiến độ kế hoạch theo hợp đồng khoảng 2 tháng. Dự án có tổng mức đầu tư đến hơn 1.000 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn tự có chứ không dùng vốn ODA nên chính chúng tôi cũng có những lúc không nghĩ mình có thể đạt được tiến độ nhanh như vậy!” – ông Nguyễn Hữu Sia cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, báo cáo nghiên cứu khả thi cho thấy năng lực thông qua cảng tổng hợp Sơn Trà và cảng Tiên Sa hiện trạng là 6.25 triệu tấn/năm. Trong khi đó lượng hàng hóa dự báo qua cảng biển Đà Nẵng đạt 7.12 triệu tấn/năm vào năm 2017. Như vậy, nếu giữ nguyên hiện trạng cảng Tiên Sa thì không thể đáp ứng được lượng hàng hóa thông qua cảng.
Do đó, dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng được lượng hàng hóa thông qua theo các kịch bản dự báo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn đến năm 2023, đồng thời là nền tảng để cảng Tiên Sa trở thành cảng container trọng tải tới 50.000DWT và tàu khách trọng tải đến 100.000GT theo xu thế phát triển đội tàu hiện nay.
Các hạng mục của dự án nâng cấp. mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 gồm 1 cầu cảng 50.000 DWT (tiếp nhận tàu container tải trọng đến 50.000DWT, tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT và tàu khách tải trọng tới 100.000 GT) và 1 cầu cảng 20.000 DWT (tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 20.000 DWT và tàu container có thông số tương đương) cùng với 02 cẩu QCC và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đảm bảo yêu cầu khai thác.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 2, cảng Tiên Sa sẽ giúp nâng năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Đà Nẵng lên 12 triệu tấn/năm, có thể đón nhận tàu có tải trọng 70.000 DWT, tàu container 4.000 TEU ra vào an toàn, phù hợp với định hướng phát triển dịch vụ container, tàu khách, tàu có tải trọng lớn và hướng đến trở thành Cảng Xanh (Green Port) thân thiện với môi trường của cảng Đà Nẵng. Đến năm 2020 sản lượng hàng hóa qua cảng dự kiến đạt 10 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 500.000 TEU.
Đã có 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước đề nghị nghiên cứu xây dụng cảng Liên Chiểu
Đối với dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, ông Nguyễn Hữu Sia cho hay, cùng với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nếu được UBND TP Đà Nẵng và Bộ GTVT cho phép, Công ty CP cảng Đà Nẵng đề nghị được tham gia góp vốn đầu tư giai đoạn I của dự án. Với bề dày kinh nghiệm, đội ngũ nhân lực có trình độ và năng lực hiện có, Cảng Đà Nẵng tự tin là nhà khai khác cảng lớn nhất, chuyên nghiệp nhất khu vực miền Trung.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, hiện cảng Đà Nẵng đang được mở rộng để nâng công suất bốc dỡ hàng hóa lên 12 triệu tấn/năm. Tuy nhiên theo dự báo, việc mở rộng cảng Đà Nẵng về lâu dài không giải quyết được khả năng quá tải hàng hóa. Do vậy, nhằm đẩy mạnh kết nối lưu thông hàng hoá giữa các khu công nghiệp theo hướng Bắc Nam và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, TP Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Dự kiến cảng Liên Chiểu sẽ có khả năng đón các tàu trọng tải lớn từ 6.000 – 8.000 TEU; giai đoạn 1 được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.378 tỷ đồng (tương đương 324 triệu USD). Hiện có 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã gửi đề nghị nghiên cứu thể hiện sự quan tâm đến dự án này.
Ông Hồ Kỳ Minh cho hay, TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng Liên Chiểu; đồng thời bố trí vốn ODA thực hiện hợp phần đê kè chắn sóng của dự án nhằm tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư khai thác cảng.
Với tư cách là nhà khai thác cảng lớn và chuyên nghiệp, ông Nguyễn Hữu Sia cũng cho rằng để dự án cảng Liên Chiểu triển khai được thuận lợi thì Chính phủ cần ủng hộ TP Đà Nẵng và Bộ GTVT sớm đầu tư xây dựng đê chắn sóng và nạo vét luồng cảng Liên Chiểu trước năm 2022. Đồng thời căn cứ vào vị thế từng địa phương, Chính phủ cần có quy hoạch mạng lưới cảng biển miền Trung một cách hợp lý để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vốn để khai thác cảng.
Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 hôm 15/10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tham mưu và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các đề xuất dự án trọng điểm của UBND TP Đà Nẵng như: Cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, đổi mới đô thị tích hợp, cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường nước TP, phát triển CNTT (giai đoạn 2), hạn mức tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp (AFD)…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo TP Đà Nẵng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng để giải quyết các nút thắt quan trọng về lưu thông hàng hóa như cảng Liên Chiểu, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, di dời nhà ga đường sắt…
Trong đó, đối với dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT tích cực hỗ trợ TP Đà Nẵng trong việc sắp xếp nguồn vốn đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để sớm triển khai.