Hiệu quả phương thức bay mới tại sân bay Cam Ranh

Thứ ba, 07/11/2017 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn 1 tháng triển khai phương thức bay tại sân bay quốc tế Cam Ranh, giải pháp sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường...

Điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh

Hơn 1 tháng triển khai phương thức bay tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), giải pháp sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và RNP APCH dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) lần đầu được áp dụng tại Việt Nam này đã mang lại hiệu quả tích cực.

Bay an toàn, nhân viên thảnh thơi

Ghi nhận của PV Báo Giao thông cuối tháng 10/2017, một chiếc máy đang đỗ tại sân bay Cam Ranh liên lạc với kiểm soát viên hợp đồng mặt đất (Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh) đề nghị được cất cánh theo lộ trình. Cùng thời điểm đó, một chiếc máy bay khác cũng bắt liên lạc, đề nghị được hướng dẫn hạ cánh xuống sân bay. Ngay lập tức, đội ngũ trực ban đài kiểm soát hướng dẫn máy bay cất cánh tại đường băng số 1 và 10 phút sau máy bay kia hạ cánh ở đường băng số 2. Tất cả các lộ trình của máy bay đều được hệ thống bố trí, sắp xếp, kiểm soát viên chỉ việc điện đàm thông báo cho tổ lái.

Anh Phạm Văn Trưởng, người trực điều hành tại đài kiểm soát không lưu cho biết, đây là phương thức lần đầu được áp dụng tại sân bay Cam Ranh từ hơn 1 tháng nay. “Mình chỉ thông báo một lần với cơ trưởng áp dụng phương thức bay. Khi đó, tàu bay sẽ tự động bay theo sơ đồ đã vạch sẵn mà không cần trao đổi qua lại giữa hai bên, hạn chế tình trạng nhiễu thông tin. Trước đây, bọn mình phải trao đổi liên tục với tổ lái để dẫn dắt máy bay đúng lộ trình”, anh Trưởng hồ hởi nói.

Chỉ vào màn hình điều khiển với một vòng tròn vùng trách nhiệm (tương đương bán kính 40km thực tế), anh Trưởng chia sẻ thêm, phương thức bay mới này sẽ có thêm nhiều lộ điểm trên vòng tròn này để sắp xếp các luồng bay, từ đó hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm và giảm thiểu số điểm giao cắt, giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn. Để có thể thao tác thuần thục các bước của phương thức mới, toàn bộ kiểm soát viên tại sân bay Cam Ranh đã được trải qua khóa huấn luyện 90 giờ, gồm cả lý thuyết và thực hành bằng mô hình.

Năng lực điều hành lên gấp đôi

Bà Lê Anh Chiến, Đài trưởng Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh cho biết, phương thức bay mà đơn vị đang áp dụng sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH. Đây là phương thức mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Theo bà Chiến, trước đây, để điều hành, khai thác trong vùng trời sân bay quốc tế Cam Ranh có các đài phụ trợ dẫn đường mặt đất sử dụng sóng vô tuyến và hệ thống hướng dẫn hạ cánh chính xác bằng thiết bị ILS. Kiểm soát viên không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh và tổ lái của các hãng hàng không kết nối với nhau dựa trên những đài phụ trợ dẫn đường vô tuyến này.

Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh sẽ đưa thêm hệ thống radar vào trong việc điều hành không lưu bên cạnh tiêu chuẩn mới đang áp dụng. Dự kiến khi hoàn thiện sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay quốc tế Cam Ranh lên gấp đôi hiện nay.

Tuy nhiên, phương thức này xuất hiện những hạn chế về giám sát (không có radar) và khả năng lựa chọn đường bay dẫn đến yêu cầu về tiêu chuẩn phân cách cũng như cự ly giãn cách giữa các máy bay đi và đến sân bay quốc tế Cam Ranh là khá lớn. “Phương thức bay kiểu truyền thống chỉ phù hợp với những nơi có mật độ bay thấp, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng ngày một tăng với trung bình một ngày có khoảng 120 chuyến bay đi và đến, cao điểm có ngày lên đến hơn 160 chuyến. Đặc biệt, đây là sân bay hỗn hợp dân dụng và quân sự nên việc bố trí, sắp xếp các chuyến bay vô cùng phức tạp, việc áp dụng phương thức mới vào thời điểm này vô cùng kịp thời”, bà Chiến khẳng định.

Tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) sẽ cho phép máy bay đạt được khả năng duy trì độ chính xác trong phạm vi 1 dặm hải lý (NM) về mỗi bên của trục đường bay trong tối thiểu 95% tổng thời gian bay (0,3NM - 1NM đối với tiêu chuẩn RNP APCH).

Một ưu điểm nữa của tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH là việc yêu cầu máy bay phải được trang bị chức năng giám sát và cảnh báo (OPMA) giúp tổ lái có thể tự theo dõi được khả năng đáp ứng yêu cầu về độ chính xác dẫn đường khi thực hiện các phương thức bay mới. Từ đó, sẽ không yêu cầu cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải được trang bị hệ thống radar giám sát hoạt động bay trong quá trình điều hành.

Bà Chiến còn cho biết, tiêu chuẩn dẫn đường RNP 1 và RNP APCH mang lại nhiều tiện lợi cho nhân viên kiểm soát. Họ có thể lựa chọn các đường bay ngắn và tối ưu nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm soát viên không lưu cũng như tổ lái trong việc phân cách giữa máy bay đi và đến, giữa máy bay bay lại (tiếp cận không thành công) và máy bay đang thực hiện tiếp cận hạ cánh trong môi trường không có radar giám sát.

Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam cho biết, việc hệ thống dẫn theo tiêu chuẩn sẽ nâng cao hệ số an toàn, tăng lưu lượng máy bay qua vùng không có trong môi trường radar như tại sân bay Cam Ranh. Phương thức này đảm bảo tính chính xác, tính toàn vẹn, tính sẵn sàng và tính liên tục tốt hơn rất nhiều so với việc sử dụng sóng vô tuyến của các đài dẫn đường phụ trợ mặt đất.

Theo ông Đôn, đây là phương thức mới áp dụng, cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả cụ thể nhưng qua phản hồi bước đầu của các hãng hàng không, khi được hướng dẫn bay theo phương thức đã giúp tàu bay không phải bay vòng chờ, từ đó giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế. Tàu bay khi được hướng dẫn bay theo phương thức mới này cũng sẽ xác định thời gian hạ cánh chính xác, hạn chế tình trạng trễ chuyến làm ảnh hưởng đến tâm lý hành khách.

 

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)