Tin vui cuối năm từ “Anh cả đỏ” VOSCO

Thứ tư, 22/11/2017 06:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam. Tính chất hàng đầu không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống lên gần 50 năm mà còn bởi quy mô vốn, đội tàu, năng lực vận tải, đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm của VOSCO vượt xa bất kỳ doanh nghiệp vận tải biển trong nước nào.

VOSCO được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam

Tuy nhiên, cùng với sự khó khăn của ngành vận tải biển trong một thời gian dài, VOSCO đã không thoát khỏi tình cảnh chung – đó là chìm trong thua lỗ.

Lênh đênh như vận tải biển

Theo chu kỳ, thị trường vận tải biển thế giới nếu suy thoái kéo dài thường 5-6 năm và bắt đầu hưng thịnh trở lại. Ngay cả khi suy thoái thì chỉ số BDI (Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic để đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như: quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc…) cũng ở quanh mức 2.000 điểm. Đà suy giảm của thị trường vận tải biển đã bắt đầu từ đầu năm 2008 từ mốc 12.000 điểm giảm một mạch thẳng đứng xuống dưới 700 điểm vào cuối năm đó. Thậm chí đầu năm 2016, BDI có lúc đã xuống 290 điểm, trong khi với đội tàu của Vinalines, BDI khoảng 2.500-3.000 điểm doanh nghiệp này mới hòa vốn. Có thể thấy rõ hơn sự suy giảm theo kiểu “rơi tự do” này bằng ví dụ về cước thuê định hạn tàu loại tàu hàng khô có trọng tải từ 40.000 tấn đến trên 100.000 tấn giảm tới 90%. Có thời điểm, chỉ trong một tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời trọng tải 74.000DWT từ chỗ 40.000USD/ngày đã giảm xuống còn 19.000USD/ngày.  Thời giá cước vận tải biển ở đỉnh cao, giá cho thuê định hạn một tàu loại này lên tới 70.000USD/ngày. Thời điểm hiện này giá cước chỉ còn từ 5.000 – 8.000USD/ngày.

Theo các chuyên gia, chỉ số BDI giảm chủ yếu do sức tiêu thụ của Trung Quốc giảm và sự bất ổn địa chính trị tại nhiều nơi trên toàn cầu. Trong khi đó, nguồn cầu vận chuyển hàng rời từ Trung Quốc tiếp tục giảm khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu Trung Quốc năm 2016 và các tháng đầu năm 2017 vẫn trên đà đi xuống cho thấy nguồn cầu vận chuyển hàng rời tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới vẫn trong chu kỳ giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam kể cả Vosco vẫn còn nhiều hạn chế, từ cơ cấu đội tàu không hợp lý, thiếu liên kết giữa chủ tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kỹ thuật tàu lạc hậu, đến năng lực quản lý chưa bắt kịp các nước tiên tiến… nên khó có khả năng tranh giành thị phần với các doanh nghiệp nước.

Làm gì để “không chìm” và từng bước thoát lỗ?

Để giúp các doanh nghiệp vận tải biển thoát cơn bĩ cực, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu bằng đường biển. Các chủ hàng Việt Nam sẽ tạo điều kiện để đội tàu của Việt Nam được vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ các cam kết về dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO. Đây sẽ là cơ hội cho đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty mẹ của Vosco, cũng đã những động thái hỗ trợ tiếp theo sau chủ trương ở cấp Chính phủ và các Bộ, ngành. Đầu năm 2017,  Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Vinalines sẽ cung cấp dịch vụ vận tải bằng tàu tàu hàng rời/sà lan theo nhu cầu của TKV đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Ai cũng biết, TKV là một khách hàng lớn của các doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là mặt hàng than xuất nhập khẩu.

Nhưng Vosco đã không ngồi chờ những sự hỗ trợ kia để vượt qua khó khăn. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được đưa ra trong những năm qua, từ việc cơ cấu lại đội tàu, thanh lý những tàu già, cũ, không còn phù hợp đến việc tái cơ cấu nợ từ các tổ chức tín dụng trong nước, mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Nhưng có lẽ, biện pháp quan trọng nhất mà Vosco đã làm là tìm hướng đi mới để vượt qua khó khăn từ sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam hiện đang khai thác 25 tàu, trong đó hơn 1 năm nay thường xuyên có từ 7-10 tàu được Vosco thuê của thị trường bên ngoài. Đây là lần đầu tiên một công ty vận tải biển trong nước áp dụng hình thức này. Thông thường các doanh nghiệp vận tải biển thành viên của Vinalines vẫn đầu tư tàu và cho thuê định hạn, cách làm này ở thời điểm hiện tại nhìn chung vẫn mang lại hiệu quả.

Phù hợp với chủ trương chung của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – liên kết các công ty nhằm huy động nguồn lực tăng khả năng cạnh tranh, vừa qua các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines bao gồm Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco), Công ty Vận tải biển Vinalines VLC, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship và Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô liên kết lại tổ chức một Consortsiom để ký kết Hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Maylayxia như Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón. Theo đó, đội tàu vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do Vosco đứng “điều phối” sẽ vận chuyển phân bón từ Malayxia đi Thái Lan và Philipines. Sản lượng vận chuyển dự kiến từ 1-2 triệu tấn/năm và có thể tăng dần trong các năm tiếp theo.

Bắt đầu có lợi nhuận dương từ sản xuất kinh doanh?

Lãnh đạo Vosco cho chúng tôi biết, phấn đấu những tháng cuối năm với kết quả kinh doanh khởi sắc, sẽ là lần đầu tiên trong vài năm qua, Vosco sẽ hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu và có lợi nhuận cân bằng tháng từ sản xuất kinh doanh sau giai đoạn thua lỗ kéo dài. Cùng với đó, Vosco đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng để hoàn thành việc tái cơ cấu nợ, qua đó bức tranh chung vào cuối năm của Công ty sẽ sáng sủa hơn nhiều và Công ty sẽ có lãi.

Đây có lẽ là tin vui được chờ đợi nhất từ Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, một thời từng được xem là “Anh cả Đỏ” của ngành vận tải biển trong nước.

nhunghv

Nguồn: Vinalines

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)