Chiều 7/2, tại hội nghị tổng kết công tác liên ngành Đường thủy - Đăng kiểm - Cảnh sát giao thông phối hợp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Cục Đăng kiểm VN đã chuyển giao vai trò cơ quan thường trực liên ngành năm 2018 cho Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
Đồng thời, lãnh đạo 3 Cục: Cảnh sát giao thông - Đường thủy - Đăng kiểm đã ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành năm 2018, nhằm định hướng cho liên ngành các địa phương trên toàn quốc triển khai.
Lãnh đạo 3 Cục đồng chủ trì Hội nghị
Trong 7 nội dung phối hợp năm 2018, Cục Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với liên ngành chỉ đạo kiểm tra, xử lý mạnh mẽ vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy; phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm ATGT tại các khu vực mỏ khai thác tài nguyên, khoáng sản có liên quan đến đường thủy. Thời gian cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm các nội dung trên là quý III và IV/2018.
Phát biểu tại đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, liên Cục cần lựa chọn chủ đề phối hợp năm nay là "ATGT đường thủy cho trẻ em", với các hoạt động truyền thông, tuyên truyền vận động, xử lý vi phạm nhằm tăng cường sự quan tâm của người lớn trong bảo đảm ATGT đường thủy cho trẻ em.
Ông Hùng cũng cho rằng, sự nỗ lực của các Cục và liên ngành 28 địa phương trong năm 2017 đã góp phần thiết thực trong việc kéo giảm sâu TNGT đường thủy (năm 2017 toàn quốc xảy ra 99 vụ, làm 45 người chết, 16 người bị thương; giảm hơn 13% vụ, hơn 37% người chết và không tăng số người bị thương), tăng đáng kể số lượng phương tiện thủy, cảng bến được thống kê và quản lý.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018, liên ngành đường thủy
phối hợp bảo đảm ATGT tại các lễ hội đường thủy
Được biết, năm 2017, lực lượng CSGT đường thủy đã xử phạt gần 199.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, lực lượng thanh tra đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN xử phạt gần 9.000 trường hợp.
Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, điểm mới trong đánh giá kết quả phối hợp liên ngành năm 2017 là phân tích, thống kê hành vi vi phạm có tỷ lệ cao để làm cơ sở khoa học trong việc tập trung phối hợp giải quyết năm 2018. Theo thống kê, trong nhóm 10 hành vi vi phạm chủ yếu, hành vi có tỷ lệ vi phạm cao nhất là: phương tiện chở quá dấu mớn nước an toàn (hơn 50%), thứ hai là vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện (gần 7%), thứ ba là vi phạm về trang thiết bị an toàn phương tiện, dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm (hơn 4,8%).