Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2015. Sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động, sân bay Long Thành đón 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Dự kiến, giai đoạn một chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, dự án có tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5.000 ha, ảnh hưởng khoảng 47.000 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng gần 23.000 tỷ đồng. Hiện nay, các chính sách thực hiện giải phóng mặt bằng đã được xây dựng để sớm triển khai trên thực tế.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tháng 6/2020 sẽ khởi công dự án và năm 2023 đưa dự án vào khai thác. Điều này thể hiện quyết tâm cao, tinh thần làm việc khẩn trương của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, đây là dự án đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn, phức tạp nên còn rất nhiều khó khăn phía trước.
Để hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi khi triển khai dự án, sáng nay (28/3) tại TPHCM, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học. Hội thảo là dịp để các cơ quan chức năng, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục.