Việc kết nối vận tải trực tiếp giữa phương tiện vận tải đường sắt với hàng hải đang có sự gia tăng đáng kể so với nhiều năm trước, góp phần giảm mạnh chi phí logistics.
Chuyển tải hàng từ tàu biển sang phương tiện thủy tại vùng nước cảng biển Quảng Ninh
Thêm nhiều phương tiện thủy cập cảng biển
Hơn một năm trước, đường thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện đội sà lan của Công ty Vận tải biển Vinalines Container chuyên chở container tuyến ĐBSCL – TP.HCM và ngược lại. Đến nay, sản lượng vận tải container của đơn vị này đã tăng hơn 60% (đạt 1.400 TEU năm 2017) so với năm trước đó.
“Ngoài 2 sà lan chuyên chở container loại 24 TEU và 54 TEU, được khai thác với tần suất 4-5 ngày/chuyến trên hành trình Cần Thơ – Vĩnh Long – TP.HCM, chúng tôi còn kết hợp với các đơn vị vận tải khác có sà lan 72 TEU, 128 TEU để mua, trao đổi chỗ chứa container. Trên hành trình, tàu ghé hầu hết các cảng biển, cảng thủy và cảng cạn lớn”, đại diện Vinalines Container cho biết
Vài năm trước đó, Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã mở tuyến vận tải container bằng sà lan, có sức chở 24 đến hơn 100 TEU từ TP HCM – Cần Thơ – An Giang. Ngoài đội sà lan chuyên chở container, Tân cảng Sài Gòn đến nay đã hình thành đội sà lan, phương tiện thủy chuyên gom hàng cho các cảng biển, tàu biển để phục vụ vận chuyển quốc tế.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HTX Rạch Gầm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại ĐBSCL có sự phát triển nhanh các phương tiện vận tải thủy trọng tải lớn lên đến vài nghìn tấn. “Vận tải thủy không còn hoạt động đơn thuần giữa các cảng, bến thủy trong các tuyến sông mà đã kết nối nhiều hơn, tốt hơn với các cảng biển, cập mạn, chuyển và nhận hàng hóa lên tàu biển”, ông Liêm cho biết.
Tại miền Trung, theo Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, trước năm 2015, tại khu vực sông Gianh, hơn 3 triệu tấn xi măng, nguyên vật liệu xi măng từ cảng biển vào nội địa chủ yếu đi bằng đường bộ. Từ năm 2015, nơi đây đã hình thành 4 khu chuyển tải hàng từ tàu biển sang phương tiện thủy. “Việc kết nối trực tiếp vận tải thủy và hàng hải nơi đây đã giúp mỗi ngày giảm được khoảng 200 xe tải, giá thành vận tải giảm 40%”, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình ước tính.
Tại miền Bắc, từ giữa năm 2017, tuyến vận tải container bằng sà lan từ cảng thủy Hải Linh trên sông Lô (Phú Thọ) với cảng biển Hải Phòng đã được mở. Đây là tuyến vận tải container đường thủy duy nhất ở miền Bắc được khai thác 2 – 3 chuyến sà lan/tuần theo hình thức vận chuyển vỏ container rỗng từ Hải Phòng tới cảng Hải Linh, bố trí xe vận chuyển container bằng đường bộ để đóng hàng tại các nhà máy cách cảng Hải Linh khoảng 10 km, vận chuyển container hàng từ cảng Hải Linh tới Hải Phòng để xếp tàu vào miền Trung, phía Nam. Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật cảng Hải Linh cho biết, với mức giá vận chuyển container chỉ bằng khoảng 60%, tuyến vận tải mới này thực sự hấp dẫn khách hàng.
Một minh chứng khác cho sự kết nối vận tải thủy, hàng hải là sự tăng trưởng của tuyến vận tải ven biển, các chặng từ Quảng Ninh – Kiên Giang, dành cho tàu pha sông biển, nối cảng sông với cảng biển, tàu biển. Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải của Cục Hàng hải VN cho biết, sau hơn 3 năm mở tuyến đến, đội tàu VR-SB đã có gần 1.550 tàu, đã vận chuyển được hơn 15,2 triệu tấn hàng. Trong đó, đã hình thành đội tàu vài chục chiếc chuyên chở container.
Gắn kết “3 nhà”
Thực tế cho thấy, lĩnh vực hàng hải, đường thủy ngày càng có chuyển biến về kết nối vận tải, cũng như nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý. Theo ông Cường, thời gian tới, Cục Hàng hải VN sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả khai thác cho phương tiện thủy nội địa trên các tuyến luồng kết nối từ cảng biển Cần Thơ với cảng biển TP Hồ Chí Minh (trung chuyển trên sông Soài Rạp) nhằm kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
“Cục Hàng hải VN luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện thủy, tàu sông pha biển kết nối tốt với cảng biển, tàu biển. Có trường hợp phương tiện thủy mang cả cấp S1 và SB được Cục đồng ý cho nộp phí tàu cấp S1 để giảm chi phí cho doanh nghiệp, với cam kết của doanh nghiệp là chỉ hoạt động trong vùng S1”, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết.
Trong lĩnh vực đường sắt, dù đang gặp khó bởi các cảng biển, cảng thủy có đường ray quốc gia kết nối trực tiếp chỉ đếm trên đầu ngón tay và ít hiệu quả (hiện chỉ có 4 cảng), các doanh nghiệp vận tải đường sắt cũng tích cực “xoay xở” liên kết với các doanh nghiệp vận tải đa phương thức để thoát khỏi thế cô lập.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trong năm 2017, đã cùng Tân Cảng Sài Gòn và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bắt tay trở thành đối tác chiến lược trong hợp tác, đầu tư hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ, phát triển dịch vụ logistics đường sắt tại các khu ga: Sóng Thần, Yên Viên và Đông Anh.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Cảng ICD Tân cảng Sóng Thần cho biết, hai bên đã hợp tác xây dựng các đoàn tàu chuyên chở container lạnh. Thời gian đầu, hai bên chạy thử nghiệm tuyến tàu chở container lạnh Sóng Thần – Bình Thuận – Yên Viên (Hà Nội) với tần suất 2 đôi tàu/tuần. Sau đó sẽ chính thức khai trương tàu container lạnh tuyến Sóng Thần – Bình Thuận – Lào Cai, tuyến Sóng Thần – Bình Thuận – Đồng Đăng với tổng trọng đoàn tàu 900 tấn.