Mới đây, tại TP Sóc Trăng, Công ty CP Cảng Cần Thơ đã tổ chức lễ khai trương và đưa Cảng Sóc Trăng vào khai thác tại phường 8, TP Sóc Trăng.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Công ty CP Cảng Cần Thơ, cắt băng khai trương đưa vào khai thác Cảng sông Sóc Trăng
Cầu cảng Sóc Trăng chiều dài 200m, có công suất thiết kế lượng hàng hoá thông qua cảng đạt tới 750.000 tấn/năm, kho chứa hàng với diện tích hơn 1.300m2, bãi chứa hàng 10.716 m2. Mục tiêu sản lượng quy hoạch của Cảng sông Sóc Trăng từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 300.000 tấn/năm và 500.000 tấn/năm tới năm 2030…
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ, đơn vị vận hành Cảng Sóc Trăng, việc đưa cảng này vào khai thác sẽ tạo điều kiện để triển khai quy hoạch cho thành phố Sóc Trăng trong việc di dời các kho chứa hàng của nhiều cơ sở kinh doanh dọc tuyến đường Lý Thường Kiệt..
Ngoài ra, việc đưa cảng vào khai thác còn tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia vào Khu công nghiệp An Nghiệp, cụm công nghiệp Sóc Trăng và khu dịch vụ cảng sông thành phố Sóc Trăng.
Sau khi Cảng Sóc Trăng đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển mở rộng các chuỗi dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và logistics trọn gói do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang cung cấp nhằm kết nối hàng hóa từ tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu với hệ thống các cảng biển trực thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ nói riêng và các Cảng biển trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Cảng Sóc Trăng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hoạt động vận tải đường thủy nội địa của tỉnh Sóc Trăng. Khi Cảng sông Sóc Trăng đi vào khai thác sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đầu tư cho hạ tầng giao thông,…
“Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động thu gom, tập kết, phân phối hàng hóa,… của Cảng Sóc Trăng ngày càng đạt hiệu quả cao…”.
Cảng sông Sóc Trăng đón chuyến hàng đầu tiên cập cảng
Theo quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng để phát triển hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
Cảng Sóc Trăng đi vào khai thác sẽ tận dụng tối đa lợi thế hệ thống đường thủy nội địa tự nhiên của Sóc Trăng và các vùng ĐBSCL cho vận tải hàng hóa với chi phí thấp, giảm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông cũng như giảm áp lực vận tải trên đường bộ.